Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn dự Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ 4

Chiều nay 18-12, tại tỉnh Hòa Bình, Hội đồng Điều phối vùng Trung du và Miền núi phía Bắc đã tổ chức hội nghị lần thứ 4. Đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Vùng chủ trì hội nghị.


Toàn cảnh hội nghị.

Dự hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo 14 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc (Vùng) gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Đoàn công tác tỉnh Tuyên Quang tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh.

Năm 2024, kinh tế, xã hội của Vùng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tăng trưởng GRDP của Vùng năm 2024 ước đạt 9,11%, cao hơn bình quân chung cả nước (ước đạt 6,8%-7%) và là vùng cao nhất cả nước. Trong đó, một số địa phương có mức tăng trưởng khá cao như: Bắc Giang (13,85%), Phú Thọ (9,53%), Tuyên Quang (9,04%). Quy mô GRDP (theo giá HH) năm 2024 ước đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng. Cơ cấu GDRP: Công nghiệp 44,15% - Nông, lâm nghiệp và thủy sản 16,59% - Dịch vụ 34,82%. Thu ngân sách nhà nước toàn Vùng đạt 89,243 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với dự toán trung ương giao.

Thu nhập người dân trong Vùng được cải thiện đáng kể, GRDP bình quân đầu người của Vùng đạt khoảng 68 - 70 triệu đồng/người/năm. Đời sống nhân dân, an sinh xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm và đạt kết quả đáng khích lệ. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển và nâng cao; chất lượng giáo dục, khám, chữa bệnh cho nhân dân từng bước được cải thiện; các vấn đề về bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh được đảm bảo. Tỷ lệ che phủ rừng được bảo đảm.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công tác dân vận,… luôn được triển khai sát sao, thường xuyên, quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện tốt, phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân, của đồng bào, nhất là đồng bào DTTS có tỷ lệ cao trong Vùng.


Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị.

Toàn Vùng hiện có 33 dự án quan trọng, liên kết vùng. Đến nay đã và đang triển khai 18 dự án, trong đó một số dự án quy mô lớn đã khởi công, hoàn thành như: cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Hòa Lạc - Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La)…

Đối với cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, giai đoạn 1 của Dự án có chiều dài 77 km (đoạn qua tỉnh Tuyên Quang) và 27 km (đoạn qua tỉnh Hà Giang). Đoạn qua tỉnh Tuyên Quang đã bàn giao 40,7/69,7 km toàn tuyến (đạt khoảng 58%); Dự án đang triển khai thi công trên toàn tuyến, cơ bản đáp ứng tiến độ đã đề ra. Hiện nay, Dự án dự kiến được bố trí bổ sung vốn NSTW từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2023 để dần nâng cấp, mở rộng lên quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh. Theo đó, 2 địa phương đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư cần thiết để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tại hội nghị các đại biểu đã được nghe lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Dân tộc trình bày tham luận. Lãnh đạo các tỉnh trong Vùng cũng đã báo cáo tình hình triển khai các chương trình dự án trọng điểm liên kết vùng trên địa bàn, đồng thời cũng đã kiến nghị một số đề xuất với Chính phủ nhằm tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; giải pháp trong thời gian tới nhằm triển khai hiệu quả các dự án trọng điểm trong Vùng.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã nhấn mạnh, năm 2024 là năm các địa phương trong Vùng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng nặng nề của thiên tai nhưng kinh tế toàn Vùng vẫn đạt mức phát triển cao nhất cả nước. Đây là nỗ lực rất lớn của các địa phương.

Đối với dự án liên kết vùng Tuyên Quang, cao tốc  Tuyên Quang - Phú Thọ đến nay đã hoàn thành và khai thác rất hiệu quả. Cao tốc Tuyên Quang  - Hà Giang đã giải phóng mặt bằng được 82%, thi công được 20%. Đồng chí đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc ưu tiên nguồn lực tỉnh để khắc phục hậu quả thiên tai, cân đối, bố trí để hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh,...


Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Đồng thời quan tâm giúp tỉnh tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn bố trí từ ngân sách địa phương đối ứng cho Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ cho tỉnh 1.800 tỷ đồng trong năm 2025 từ nguồn dự phòng, nguồn tăng thu tiết kiệm chi năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ quan tâm sớm phê duyệt Đề án "Xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ"; tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về cơ chế, quản lý cấp tín chỉ cacbon rừng. Về phát triển công trình hạ tầng kết nối, Tuyên Quang mong muốn Trung ương xem xét tạo điều kiện với địa phương lân cận như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Đối với xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai có sự điều phối nguồn lực để thực hiện, qua đó góp phần nâng cao chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý.

Phát biểu kết luận tại hội nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đề nghị các bộ, địa phương tập trung giải ngân số vốn đã được giao kế hoạch năm 2025, đồng thời nghiên cứu, lựa chọn các dự án vùng và có tính chất vùng quan trọng, cấp bách theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị và theo quy hoạch Vùng để ưu tiên nguồn vốn bố trí trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, dành nguồn vốn phù hợp để làm công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2025 để triển khai thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030; tập trung vào các nội dung liên quan đến đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông.

Tiếp tục rà soát và thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện và nhất quán các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Chương trình, Đề án, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ tỉnh, đặc biệt là các định hướng lớn.


Lãnh đạo các tỉnh trong Vùng dự hội nghị.

Tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch Vùng, nhất là các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã đặt ra tại Quy hoạch. Đồng chí đề nghị các địa phương cần chủ động thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế giúp người dân xóa đói, giảm nghèo; tập trung tiếp tục thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo.

Các bộ, ngành có liên qua tiếp tục nghiên cứu các cơ chế đặc thù phát triển kinh tế xã hội của vùng; cơ chế chính sách thuận lợi về cấp tín chỉ cacbon rừng; tiếp thu các kiến nghị của các địa phương để nghiên cứu giải pháp tháo gỡ.

Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục