Nghiên cứu đề tài khoa học “Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang”

Trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam hiện nay, vấn đề kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước là một yêu cầu khách quan. Mục đích đặt ra là làm cho các cơ quan nhà nước ở Trung ương cũng như ở địa phương thực hiện đúng và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Theo quy định tại Điều 6, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015: “Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình. Đại biểu Hội đồng nhân dân bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân”.


Các đại biểu dự hội thảo (Ngày 27/11/2020)

Đại biểu HĐND phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri là quan điểm của Đảng từ trước cho tới nay, điều này được cụ thể hóa cụ thể trong các quy định của Hiến pháp và Luật. Để thực hiện tốt các chức năng quyết định, giám sát những vấn đề quan trọng của địa phương, Hội đồng nhân dân mà trực tiếp là đại biểu HĐND cần phải giữ mối quan hệ thường xuyên và mật thiết với cử tri. Vai trò của đại biểu HĐND phải là cầu nối của cử tri với nhà nước, kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, đảm bảo để mọi hoạt động của Hội đồng nhân dân đều “do nhân dân” và “vì nhân dân”.


Đồng chí Triệu Kim Long, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

Trong bối cảnh trung ương đang tiến hành những cải cách mạnh mẽ nhằm phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương các cấp để mỗi địa phương phát huy quyền chủ động, sáng tạo của mình trong quản lý nhà nước thì việc các đại biểu phải gắn bó, liên hệ mật thiết với cử tri qua hoạt động tiếp xúc để lắng nghe, phân tích và có những quyết định phù hợp trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng ở địa phương là hết sức cần thiết. Hoạt động giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri ở địa phương vừa là nhiệm vụ, vừa là quyền hạn của cơ quan dân cử - cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương. Những năm qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều đổi mới trong hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, kết quả cho thấy: Nhiều kiến nghị chính đáng của cử tri đã được giải quyết, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện, nâng cao; bộ mặt nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn một số hạn chế như: Việc tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo lĩnh vực hoặc tiếp xúc với nhóm cử tri ít được thực hiện; công tác phối hợp giữa cấp và ngành trong giải quyết một số kiến nghị có lúc chưa chặt chẽ, nội dung trả lời còn chung chung, chưa cụ thể hoặc chậm được giải quyết; hoạt động giám sát chưa có nhiều đổi mới về hình thức, phương thức cũng như nội dung…


Chủ nhiệm đề tài khoa học Khánh Thị Xuyến, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu tại hội thảo

Để khắc phục tình trạng trên, Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh đã lựa chọn, đề xuất, chủ trì thực hiện Đề tài  khoa học về “Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang” và được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-UBND ngày 08/5/2020. Theo đó, Ban chủ nhiệm Đề tài sẽ tập trung  nghiên cứu các nội dung: Cơ sở lý luận về hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của Hội đồng nhân dân tỉnh; điều tra, đánh giá thực trạng kết quả tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và việc giải quyết kiến nghị của cử tri trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn  2011- 2020; đánh giá thực trạng hoạt động giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đối với việc giải quyết các kiến nghị của cử tri; đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của Hội đồng nhân dân tỉnh giai đoạn tiếp theo.


Đại biểu Phạm Thị Thành Chung, Phó Chủ tịch HĐND thành phố tham luận tại hội thảo

Đại biểu Nguyễn Hữu Long, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố 15 phường Phan Thiết tham luận tại hội thảo

Việc nghiên cứu Đề tài khoa học “Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri” của Ban Kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ góp phần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang trong 02 nhiệm kỳ (khóa XVII, nhiệm kỳ 2011- 2016 và khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021); kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động này để Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, xứng đáng với niềm tin của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Hà Anh

Tin cùng chuyên mục