Tham gia đoàn đại biểu tỉnh có các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân các huyện, lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.
Tại phiên họp sáng ngày 14/11, Đoàn nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lí dự thảo Luật Thanh tra. Dự thảo Luật Thanh tra được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ Ba và tiếp tục thảo luận tại kỳ họp thứ Tư với nhiều ý kiến rất thiết thực, xác đáng. Quốc hội đã tiến hành biểu quyết riêng 2 điều (Điều 18 về vị trí, chức năng của thanh tra tổng cục, cục và Điều 78 về ban hành kết luận thanh tra) trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật Thanh tra bao gồm (8 chương, 118 điều) với tỷ lệ đại biểu tán thành cao (92,17%). Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) và thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi) với tỷ lệ đại biểu tán thành cao (94,78%).
Quang cảnh phiên họp.
Quốc hội đã dành phần lớn thời gian làm việc của phiên họp để tập trung thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là đạo luật rất quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách, quy định trong rất nhiều luật khác, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tới tất cả các tổ chức và từng người dân. Đã có 228 lượt ý kiến phát biểu thảo luật tại 19 tổ. Với tinh thần sôi nổi, trách nhiệm, đã có 107 đại biểu đăng ký phát biểu thảo luận. Dưới sự điều hành linh hoạt, khoa học của Chủ toạ kỳ họp, với thời gian phát biểu tối đa 7 phút và tranh luận không quá 3 phút, trong buổi làm việc sáng ngày 14/11 đã có 26 đại biểu phát biểu, trong đó có 22 đại biểu phát biểu và 4 đại biểu tranh luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nội dung phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào các vấn đề. Đại biểu Ma Thị Thuý, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã phát biểu tham gia 2 vấn đề: Thứ nhất là những nội dung mới còn có ý kiến khác nhau như: Về bổ sung quy định cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm (điều 44); về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa (Điều 57); mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần (điều 181). Thứ hai là về đất do các công ty nông, lâm trường quản lý, đại biểu đề nghị cần đánh giá, tổng kết việc thực hiện sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp. Thực tiễn trong thời gian vừa qua tình trạng tranh chấp, lấn chiếm còn diễn ra phức tạp; hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng thấp, một số nơi chưa giải quyết dứt điểm tình trạng cho thuê, liên doanh, liên kết. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường là do các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường còn thiếu và yếu, do vậy cần đánh giá cụ thể, chặt chẽ hơn khi quy định các nội dung liên quan đến Điều 185 dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua. Mặt khác, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định pháp luật về văn phòng đăng ký đất đai, nhất là đối với địa phương miền núi, khoảng cách địa lý để người dân đến văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các thủ tục hành chính còn khó khăn, không thuận lợi, biên chế được giao chưa đáp ứng tối đa so với yêu cầu, nhiệm vụ là một trong những nội dung cần được xem xét, giải quyết thoả đáng trong thời gian tới.
Từ thực tế diễn biến phiên họp được dự thính, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thu hoạch được nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu. Trước hết đó là việc chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, tài liệu kỳ họp, xây dựng chương trình kỳ họp khoa học, chặt chẽ; sự điều hành linh hoạt, khoa học, dân chủ, tập trung của Chủ toạ; không khí của phiên họp trang nghiêm, sôi nổi; tinh thần, trách nhiệm và tính chuyên nghiệp trong chuẩn bị nội dung tài liệu, đăng ký thảo luận, thực hiện thảo luận của đại biểu (nhanh, trúng, đúng nội dung, có chính kiến rõ ràng, cách trình bày thuyết phục, không trùng lặp các ý kiến đã phát biểu trước, bảo đảm thời gian theo quy định…). Coi trọng tranh luận trong thảo luận, sự dân chủ, tập trung, thống nhất trong thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đây là những vấn đề quan trọng các đại biểu học tập, vận dụng vào thực tiễn hoạt động của cá nhân cũng như hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp. Cùng với đó, mỗi một đại biểu đều ý thức sâu sắc hơn vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử trước cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất là trong việc thực hiện chức năng quyết định những vấn đề quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh tại địa phương. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh cũng rút ra được những kinh nghiệm để tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, tính chuyên nghiệp trong công tác tham mưu, phục vụ Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu và Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.
Trước đó, vào ngày 13/11, Đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm quan Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Tiếp đó, Đoàn đã vào thăm nhà Nhà Quốc hội, nghe giới thiệu tổng thể về quá trình xây dựng, vận hành Nhà Quốc hội; thăm phòng truyền thống nơi lưu giữ trưng bày những hình ảnh, tư liệu quý phản ánh các giai đoạn, dấu mốc lịch sử trong quá trình hình thành, xây dựng, phát triển của Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của đất nước; thăm Khu trưng bày khảo cổ học dưới lòng đất của Toà nhà Quốc hội, Khu Hoàng thành Thăng Long với những giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc nổi tiếng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.