Những “Cánh tay nối dài” của lực lượng Công an nhân dân

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc, toàn diện, góp phần xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại địa bàn tỉnh Tuyên Quang nói riêng, trên toàn quốc nói chung; kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.


Công an xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang) khai thác hệ thống “Camera an ninh” phục vụ hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Tuyên Quang khoá XIX đã thông qua Nghị quyết Quy định tiêu chí thành lập, số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; mức hỗ trợ, bồi dưỡng, mức chi đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và số lượng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội dân phòng hoặc tuyển chọn những công dân đủ tiêu chuẩn theo quy định. Đây là lực lượng quần chúng được bố trí ở các thôn, tổ dân phố, được ví như “cánh tay nối dài” hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ, kịp thời phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề ngay từ cơ sở, không để phát sinh phức tạp về an ninh trật tự. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 219/QĐ-UBND Quy định số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Công an tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị Công an toàn tỉnh, trong đó yêu cầu Công an cấp xã sớm tham mưu UBND cấp xã xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyển chọn Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự bảo đảm đủ tiêu chuẩn theo đúng quy định. Hiện nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 1.731 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với 5.193 thành viên, tại 137 địa bàn cấp xã. UBND cấp xã đã bố trí địa điểm, nơi làm việc cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố để lực lượng sớm ổn định nơi làm việc ngay sau buổi lễ ra mắt vào ngày 01/7/2024; UBND xã, phường, thị trấn đã ban hành Quyết định thành lập, Quy chế hoạt động để đảm bảo cho tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thống nhất, đúng quy định của pháp luật; phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; quan tâm bố trí kinh phí trang bị phương tiện, thiết bị và công cụ hỗ trợ hoạt động của các Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và các điều kiện cần thiết nhằm đảm bảo linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy ở địa bàn cơ sở.


Công an xã trao đổi với người dân về an ninh, trật tự trên địa bàn xã Trung Minh, huyện Yên Sơn.

Việc thành lập các Tổ bảo vệ an ninh trật tự đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong công tác đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở. Kể từ khi các Tổ bảo vệ an ninh, trật tự đi vào hoạt động, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt. So với cùng kỳ quý III/2023, tỷ lệ một số loại tội phạm đã giảm rõ rệt như: Trộm cắp tài sản (giảm 18,2% số vụ); Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (giảm 66,7% số vụ); Gây rối trật tự công cộng (giảm 50% số vụ); Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (giảm 50% số vụ)... Tình hình xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực giảm 32,5% về tổng số vụ và giảm 32% về tổng số đối tượng. Sự hiện diện thường xuyên của các Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại các khu vực trọng điểm đã góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật kịp thời, ngay từ cơ sở. Bên cạnh đó, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; mạng lưới rộng khắp trên toàn tỉnh đã giúp nắm bắt tình hình an ninh trật tự đến tận thôn, bản, tổ dân phố. Thông qua hoạt động của các Tổ, ý thức chấp hành pháp luật và tinh thần cảnh giác của người dân được nâng cao rõ rệt. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở luôn trực tiếp gắn bó với người dân tại địa phương, họ đóng vai trò như cầu nối để truyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, qua đó giúp Nhân dân nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, phát huy tinh thần tự giác để đóng góp tích cực vào phong trào. Các thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự vừa là người dân địa phương, vừa là cánh tay nối dài của chính quyền, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm; đồng thời tích cực phòng ngừa, phát hiện và giải quyết các mâu thuẫn, phát sinh trong nội bộ Nhân dân kịp thời, nhanh chóng và dứt điểm ngay từ cơ sở; góp phần đảm bảo tình hình an ninh nông thôn trên địa bàn tỉnh.


Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn hỗ trợ đắc lực Công an xã trong công tác tuần tra, nắm chắc tình hình ANTT trên địa bàn xã.

Với sự tham gia tích cực của các lực lượng này, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã được lan tỏa mạnh mẽ và ngày càng đi vào chiều sâu.  Sự phối hợp giữa lực lượng Công an, các Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và người dân đã giúp phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.  Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng và duy trì môi trường sống an toàn, ổn định; giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức kinh tế có thêm niềm tin để phát triển kinh doanh, thu hút đầu tư, từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tạo sự ổn định về chính trị, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh
Ảnh: Lý Thịnh

Tin cùng chuyên mục