Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh Ngọc Hưng.
Kính thưa các đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Kính thưa các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các vị đại biểu Quốc hội.
Thưa các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thưa toàn thể cử tri và Nhân dân trong tỉnh.
Kỳ họp chuyên đề lần thứ chín được tổ chức vào thời điểm chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến kỳ họp thường lệ. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của tỉnh; cũng như kịp thời triển khai cụ thể hoá các chính sách của Trung ương thực hiện trên địa bàn, tại kỳ họp này Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét cho ý kiến và quyết nghị 11 nội dung, các vị đại biểu đã được nghe và thảo luận từng nội dung, Chủ toạ kỳ họp lưu ý một số nội dung sau.
1. Về Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030, đây là bước Hội đồng nhân dân tỉnh cho ý kiến để Uỷ ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, việc xác định các công trình, dự án trọng điểm, để tập trung ưu tiên đầu tư là rất quan trọng tạo sự đột phá, động lực phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, bảo đảm đáp ứng mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2026-2030 của tỉnh. Tập trung bố trí vốn thực hiện các công trình, dự án liên quan đến thực hiện các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm, các công trình, dự án có tính liên kết vùng (giao thông, du lịch, chuyển đổi số…), bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải trong sử dụng nguồn lực đầu tư công.
2. Về 03 Nghị quyết điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp thực hiện 03 Chương trình Mục tiêu quốc gia chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã chuyển nguồn sang năm 2024 (đợt 2) và dự toán năm 2024 (đợt 1), đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết bảo đảm đúng quy định của pháp luật hiện hành; việc thực hiện điều chỉnh, bổ sung dự toán kinh phí cho các dự án, tiểu dự án thành phần từ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia phải đảm bảo tính chính xác, chặt chẽ về nội dung, danh mục dự án và mức vốn bố trí kinh phí cho từng dự án bảo đảm đúng quy định, không để phát sinh khiếu nại của các đối tượng thụ hưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm giải ngân nguồn vốn của các Chương trình, nhất là vốn chưa giải ngân hết trong năm 2022, 2023 đã chuyển nguồn sang năm 2024. Tổ chức đánh giá việc thực hiện để xây đựng kế hoạch phân bổ nguồn vốn của năm 2025 phù hợp, khả thi.
Toàn cảnh phiên bế mạc kỳ họp chuyên đề lần thứ chín. Ảnh Đức Mạnh.
3. Về Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
Để thực hiện mục tiêu “ phấn đấu 100% người dân có thẻ BHYT theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025. Theo quy định tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ, mặc dù còn nhiều khó khăn về nguồn lực nhưng với sự quyết tâm của tỉnh, để đảm bảo chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua nghị quyết hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHYT (Trung ương hỗ trợ 70%) cho 02 đối tượng: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo và người dân tộc thiểu số tại các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 và người dân tộc thiểu số tại các xã khu vực II, khu vực III giai đoạn 2021-2025 mà các xã được công nhận nông thôn mới thể hiện sự quan tâm, bảo đảm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của tỉnh. Đề nghị các cấp, các ngành kịp thời thông tin, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết đến Nhân dân; hướng dẫn, triển khai thực hiện Nghị quyết đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.
4. Về triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024
Tại kỳ họp này Hội đồng nhân dân tỉnh đã xem xét thông qua các Nghị quyết về: Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Luật Đất đại năm 2024 mới được áp dụng thực hiện từ ngày 01/8/2024 các điều kiện chuyển tiếp và nhiều quy định mới, đặc biệt quy định thẩm quyền trong việc quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất, rừng phòng hộ. Tôi mong rằng các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh dành thời gian nghiên cứu để quyết định các nội dung đúng thẩm quyền, không làm tăng thêm thủ tục hành chính theo quy định của luật.
Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, quy định thẩm quyền Hội đồng nhân dân tỉnh cụ thể hoá 02 nội dung (Khoản 6 Điều 16. Trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số và Điểm a khoản 1 Điều 126. Giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất) đây là những nội dung khó, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp cận sớm với dự thảo Nghị quyết để nghiên cứu kỹ lưỡng, tham gia thảo luận. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chuyên môn khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành để tổ chức thực hiện.
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Thưa cử tri và Nhân dân!
Như chúng ta đã biết các tỉnh miền núi phía bắc vừa trải qua đợt mưa lũ với nhiều thiệt hại nặng nề, trong đó có tỉnh Tuyên Quang của chúng ta. Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã kịp thời chỉ đạo cấp ủy chính quyền các cấp thực hiện tốt các nhiệm vụ cả trước, trong và sau đợt mưa lũ; công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả đã được các cấp, các ngành thực hiện khẩn trương, tập trung, chủ động theo đúng phương châm “bốn tại chỗ” với mục tiêu cao nhất bảo đảm an toàn về tính mạng của Nhân dân. Công tác hiệp đồng, phối hợp giữa các lực lượng linh hoạt, triển khai đồng bộ, hiệu quả, đã hạn chế thấp nhất các thiệt hại về người, tài sản của Nhân dân. Thời gian tới các cấp, các ngành cần tiếp tục lãnh đạo chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 3 để người dân, doanh nghiệp sớm ổn định đời sống khôi phục sản xuất kinh doanh; khẩn trương triển khai việc rà soát xây dựng phương án bố trí đất tái định cư cho các hộ dân bị mất nhà, sinh sống tại khu vực thiên tai nguy hiểm; hỗ trợ các hộ sửa chữa xây dựng nhà ở; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi và vật tư cần thiết để tái sản xuất nông lâm nghiệp, thuỷ sản, bảo đảm ổn định đời sống của nhân dân sớm nhất.
Các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, Nhân dân, làm tốt chức năng đại diện cử tri và Nhân dân; nắm chắc tình hình, phản ánh kịp thời, trung thực các vấn đề khó khăn, vướng mắc ở cơ sở để báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời giải quyết, đồng thời động viên Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, tăng cường giám sát tại cơ sở để công tác hỗ trợ của nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc đảm bảo đúng đối tượng, đúng nội dung, công khai minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật.
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Thưa cử tri và Nhân dân!
Mặc dù quý 3 tỉnh ta gặp nhiều khó khăn nhưng chúng ta vẫn có tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 9%, đứng thứ 5/14 tỉnh trung du miền núi phía bắc; thu ngân sách 9 tháng đạt 80% kế hoạch năm. Đây là những điều kiện, tiền đề quan trọng để chúng ta tự tin tiếp tục cố gắng, nỗ lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của cả năm 2024. Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, khối lượng công việc rất lớn, nhiều việc phát sinh, đặc biệt là một số nhiệm vụ cấp bách, khó khăn nhất là giải ngân vốn đầu tư công… đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương phải tập trung cao độ với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt, phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024. Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố bế mạc Kỳ họp chuyên đề lần thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026.
Xin trân trọng cảm ơn!