Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh Tuyên Quang chủ trì tại điểm cầu UBND tỉnh. Dự hội nghị có các đồng chí đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, các thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh.
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, qua 1 năm triển khai, nhận thức, hành động của các cấp, các ngành về chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng cơ bản có sự chuyển biến tích cực. Các ngành và địa phương đã nhìn nhận rõ hơn về thực trạng hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh an toàn và yêu cầu hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án 06.
Tuy nhiên, việc xử lý các điểm nghẽn vẫn chưa hoàn thành, trong đó, đối với điểm nghẽn về pháp lý, tốc độ rà soát sửa đổi, đơn giản hóa TTHC, hoàn thiện thể chế còn chậm; một số địa phương chưa hoàn thành việc ban hành các nghị quyết miễn giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Về điểm nghẽn về hạ tầng công nghệ, có 19 bộ, ngành, địa phương chưa báo cáo tiêu chí an toàn, an ninh mạng; vẫn còn thôn bản “trắng” chưa có điện lưới. Điểm nghẽn về dữ liệu, chưa khắc phục được tình trạng mạnh mún, chia cắt và co cụm dữ liệu. Điểm nghẽn về an ninh, an toàn bảo mật, tình trạng lộ lọt dữ liệu vẫn chưa giảm. Điểm nghẽn về nguồn lực triển khai, việc phân bổ nguồn lực còn khó khăn do vướng mắc liên quan đến căn cứ pháp lý.
Báo cáo kết quả 1 năm triển khai Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam, hiện nay, thương mại điện tử của Việt Nam, theo đánh giá của Bộ Công Thương là 20,5 tỷ USD và sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam được xác định là quốc gia có tăng trưởng về thương mại điện tử nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Thực hiện Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh và chia sẻ dữ liệu thương mại điện tử, chống thất thu thuế; đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 56 ngày 26/6/2024.
Đại biểu các sở, ngành dự hội nghị.
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nỗ lực, tích cực phối hợp rà soát kiểm đếm các nhiệm vụ Đề án 06 được giao tại đơn vị. Từ đó triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, từng bước hoàn thành chỉ tiêu, tiến độ giao theo 5 nhóm “Thể chế - Hạ tầng công nghệ thông tin - Dịch vụ công trực tuyến - Dữ liệu - Nguồn lực”. Đặc biệt, nhiều nhiệm vụ lớn, khó thực hiện nhưng đã chủ động, nỗ lực hoàn thành trong thời gian ngắn.
Kết quả đối với 61 nhóm nhiệm vụ giao, đến nay tỉnh đã hoàn thành và được tổ chức thực hiện thường xuyên 34 nhiệm vụ được giao thực hiện trong năm 2023; đang triển khai thực hiện 27 nhiệm vụ của năm 2024.
Hội nghị đã đánh giá những việc đã làm được, những tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, phát hiện được nguyên nhân, phân tích rõ các bất cập để hóa giải khó khăn, thách thức, bất cập, chuyển đổi trạng thái nhanh về thể chế, chính sách, đầu tư phát triển hạ tầng số, xây dựng nền tảng số, phát triển nhân lực số, bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin...
Đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong phát triển hạ tầng số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; kết nối chia sẻ thông tin, liên thông các hệ thống thông tin hình thành dữ liệu lớn, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử...Đồng thời chỉ ra bài học kinh nghiệm, xác định rõ các quan điểm, phương hướng và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong ngắn hạn và dài hạn…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là một trong những "điểm sáng" của chuyển đổi số ở nước ta trong thời gian qua, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, các thành viên Tổ công tác, các bộ, ngành, địa phương triển khai tương đối đồng bộ, tích cực, hiệu quả.
Việc triển khai Đề án 06 đã mang lại những kết quả cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, ngành, địa phương và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Đề án 06 đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đổi mới phương thức quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được, Thủ tướng đề nghị thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế để có các giải pháp khắc phục. Các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, "ngủ quên trong chiến thắng".
Thủ tướng giao Bộ Công an, Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến thảo luận để ban hành kết luận thực hiện. Định kỳ hàng tháng Tổ công tác phải giao ban kiểm điểm đánh giá công tác triển, khai đôn đốc triển khai thực hiện tháo gỡ các điểm nghẽn. Các bộ, ngành chủ động kết nối với Bộ Công an kết nối dữ liệu để quản lý; tăng cường công tác tuyên truyền các mô hình tốt, cách làm hay về Đề án để nhân rộng, lan tỏa.