Cử tri và Nhân dân tin tưởng, vui mừng trước những kết quả toàn diện về kinh tế-xã hội

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và bạn bè quốc tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành quyết liệt, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.

Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 11 diễn ra vào chiều 11/5.

Kịp thời tháo gỡ các "nút thắt", "điểm nghẽn"

Trình bày dự thảo Báo cáo nêu trên, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và Nhân dân bày tỏ niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động hiệu quả của Quốc hội và điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đất nước ta tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động nhằm xây dựng một Quốc hội "Chủ động, trí tuệ, đoàn kết, đổi mới và trách nhiệm". 

Đại biểu Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với cử tri và Nhân dân. Chất lượng giám sát, thẩm tra, xây dựng luật được nâng lên; kịp thời ban hành các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tạo hành lang pháp lý, phối hợp chặt chẽ cùng với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; kịp thời tháo gỡ các "nút thắt", "điểm nghẽn" để thúc đẩy,phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và bạn bè quốc tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành quyết liệt, hiệu quả đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Một số kết quả nổi bật là: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế-xã hội. Tập trung chỉ đạo công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo có tầm nhìn dài hạn, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, xác định các mục tiêu có tính chiến lược quốc gia. Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ một số công trình trọng điểm quốc gia. Tích cực chỉ đạo giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri đạt 95,71%. Các chỉ tiêu kinh tế-xã hội những tháng đầu năm tiếp tục đà phục hồi, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, chuyển biến tích cực.

Đồng thời, cử tri và Nhân dân đánh giá cao sự thành công có tính quyết định của chiến lược vaccine; tinh thần tương thân, tương ái, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự chung sức, đồng lòng của các doanh nghiệp và Nhân dân, sự "dấn thân" của lực lượng tuyến đầu, tính ưu việt của chế độ chính trị, cùng với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế đã giúp đất nước ta vượt qua đại dịch COVID-19. 

Tâm trạng xã hội rất vui mừng, phấn khởi khi các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa, nghệ thuật, thể thao... dần trở lại trạng thái bình thường. Niềm tin của Nhân dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế vào tiến trình mở cửa, phục hồi của nền kinh tế được nâng lên.

Công tác an sinh xã hội được quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ, tích cực; trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 gây tổn thất nặng nề nhưng đời sống của Nhân dân vẫn cơ bản được bảo đảm ổn định.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, cử tri và Nhân dân còn trăn trở, băn khoăn, lo lắng, trăn trở về một số vấn đề như: Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn chậm; đời sống của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn; tiến độ triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; hoạt động của thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu, thị trường bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro;…

Đặc biệt, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự bất bình, lên án mạnh mẽ, phẫn nộ đối với những hành vi trục lợi trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, có sự tiếp tay, bao che của một số cán bộ, đảng viên, làm giảm lòng tin của Nhân dân. 

Đồng thời, mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm, bị can bỏ trốn; công khai, minh bạch kết quả điều tra, xét xử để Nhân dân giám sát.

Kiến nghị 5 nội dung trọng tâm

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với Đảng, Nhà nước, cơ quan chức năng quan tâm chỉ đạo 5 nội dung.Cụ thể: 

Thứ nhất là tổng kết, đánh giá rút ra những bài học quý báu từ công tác phòng, chống COVID-19; trên cơ sở đó rà soát quy hoạch, ưu tiên nguồn lực, đầu tư thỏa đáng cho hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng; quan tâm hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực cả về công tác chuyên môn và kỹ năng quản trị cơ sở y tế. 

Có chính sách phù hợp cả về vật chất và tinh thần để động viên cán bộ ngành y tế yên tâm công tác, phục vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân; đánh giá toàn diện kết quả đạt được, hạn chế, sơ hở để bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực y tế.

Thứ hai, tiếp tục chỉ đạo, quyết liệt công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để phòng, chống vi phạm, tội phạm trong công tác đầu tư, mua sắm, thu chi ngân sách… rà soát, thống kê, tổng hợp các dự án đầu tư có sử dụng đất đã quá hạn chưa thực hiện đầu tư hoặc đầu tư kéo dài, có giải pháp xử lý phù hợp, theo quy định của pháp luật, kiên quyết không để kéo dài tình trạng này, gây bất bình, bức xúc trong Nhân dân. Quan tâm giải quyết hiệu quả hơn nữa đơn, thư khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc liên quan đến đất đai.

Thứ ba, tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội; khẩn trương triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vì những chương trình này tác động chủ yếu vào vùng nông thôn, vùng kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, đối tượng thụ hưởng phần đông là hộ nghèo, cận nghèo.

Thứ tư, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét một cách thận trọng, đánh giá khách quan, toàn diện chương trình cải cách giáo dục phổ thông, nhất là việc đưa môn lịch sử ở bậc Trung học phổ thông là môn học tự chọn.

Thứ năm, căn cứ vào kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đề nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan gửi các văn bản, tài liệu liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đúng thời gian, hợp tác chặt chẽ hơn nữa để công tác giám sát, phản biện xã hội bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Theo Báo đại biểu nhân dân

Tin cùng chuyên mục