Thảo luận thông qua các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp chuyên đề, HĐND tỉnh khóa XIX.

Trong 02 ngày 13 và 14/3/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức kỳ họp chuyên đề để xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng nhằm đáp ứng nhanh, kịp thời việc chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, kỳ họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại Trung tâm Hội nghị tỉnh với điểm cầu tại trụ sở Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh và 07 điểm cầu tại các huyện, thành phố.

Thường trực HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.

Dưới sự điều hành của các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, các phiên thảo luận thông qua dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh diễn ra sôi nổi, chất lượng. Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm và dân chủ, các vị đại biểu HĐND tỉnh đã xem xét rất thận trọng, kỹ lưỡng các nội dung, thảo luận nhiều ý kiến tâm huyết trước khi biểu quyết thông qua 11 dự thảo nghị quyết trình kỳ họp.


Toàn cảnh kỳ họp tại điểm cầu Trung tâm hội nghị tỉnh.

Nghị quyết về Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một nghị quyết rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, tác động toàn diện và lâu dài đến quá trình xây dựng, phát triển của tỉnh trong nhiều thập kỷ tới, được HĐND tỉnh thống nhất dành toàn bộ thời gian phiên họp chiều ngày 14/3/2022 để thảo luận, xem xét trước khi quyết nghị. Được xây dựng phù hợp với định hướng phát triển của đất nước, của tỉnh mà Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã đề ra, Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang đã tích hợp các quy hoạch ngành, lĩnh vực, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trên cơ sở phát huy tối đa hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của tỉnh, là căn cứ khoa học và thực tiễn quan trọng cho việc tổ chức không gian lãnh thổ kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng Trung du - Miền núi phía Bắc, cả nước. Khi Quy hoạch được phê duyệt, triển khai thực hiện sẽ mở ra cơ hội, không gian phát triển mới và tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh. Quá trình xây dựng Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát; có sự tham gia ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Hội đồng thẩm định Quốc gia; các đối tượng chịu sự tác động và thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh. Trước khi thẩm tra, các Ban của HĐND tỉnh đã tổ chức hội nghị tham gia ý kiến vào dự thảo Quy hoạch gồm 17 lượt ý kiến tham gia với 44 nội dung, tổng hợp gửi cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo nghị quyết nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa trước khi tổ chức hội nghị thẩm tra. Quá trình thẩm tra được Ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì, phối hợp với các Ban của HĐND tỉnh thực hiện đúng trình tự theo quy định. Qua thẩm tra, các Ban của HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh tiếp tục rà soát toàn bộ nội dung của Quy hoạch tỉnh để bổ sung, chỉnh sửa, đảm bảo có sự thống nhất giữa quan điểm, mục tiêu, phương án phát triển... Thảo luận tại hội trường đã có 11 đại biểu phát biểu tham gia ý kiến về Quy hoạch tỉnh, tập trung vào các nhóm vấn đề:


Đại biểu Vũ Thanh Tùng.

Về quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và các đột phá phát triển: Đại biểu Vũ Thanh Tùng - Tổ đại biểu huyện Yên Sơn đề nghị làm rõ sự phù hợp của 19 chỉ tiêu cụ thể với các quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2030 vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.


Đại biểu Phạm Ninh Thái.

Đại biểu Phạm Ninh Thái - Tổ đại biểu huyện Yên Sơn đề nghị làm rõ thêm những ảnh hưởng nền kinh tế thế giới, trong nước đến quy hoạch, các đột phá phát triển của tỉnh. Đại biểu Vũ Thị Giang - Tổ đại biểu huyện Sơn Dương đề nghị làm rõ thêm căn cứ để xác định mục tiêu về cơ cấu kinh tế đến năm 2030; bổ sung chỉ tiêu cụ thể về công tác dân số, trong đó có chỉ tiêu về phát triển con người (HDI).


Đại biểu Phan Thị Mỹ Bình.

Các đại biểu Nguyễn Thiện Tuyên, Phan Thị Mỹ Bình - Tổ đại biểu thành phố Tuyên Quang và Phạm Kiều Trang - Tổ đại biểu Chiêm Hóa quan tâm đến quy hoạch mạng lưới giao thông; phương án phát triển hạ tầng giáo dục ngoài công lập; các phương án: phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; bố trí, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm; phát triển các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; xử lý chất thải rắn, nước thải…


Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền.

Về phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh: Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền - Tổ đại biểu huyện Sơn Dương đề nghị xem xét, bổ sung quy hoạch phát triển nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng xanh; phát triển dịch vụ, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Đại biểu Mai Quang Thắng - Tổ đại biểu Hàm Yên đề nghị báo cáo thêm sự phù hợp quy hoạch tỉnh về sân golf.

Bên cạnh đó, một số đại biểu thảo luận thêm về giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch; nhiệm vụ trọng tâm phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bổ sung quy hoạch xây dựng; phát triển vùng liên huyện, …


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương phát biểu ý kiến.

Tại phiên thảo luận dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương và Giám đốc các sở: Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp thu ý kiến của đại biểu và trao đổi, làm rõ thêm các vấn đề đại biểu quan tâm.


Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Vân Đình Thảo.

Đồng chí Vân Đình Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đại diện cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh, thực hiện vai trò chủ đầu tư dự án, chủ trì thưc hiện nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh đã tiếp thu và làm rõ một số ý kiến về các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh cơ quan lập quy hoạch đã phối hợp cùng với các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, đơn vị tư vấn bám sát các nhiệm vụ, nội dung, quy định của pháp luật về lập quy hoạch tỉnh; rà soát, khảo sát, điều tra, thu thập thông tin, tài liệu; xác định các quy hoạch cần loại bỏ, các quy hoạch còn hiệu lực tiếp tục được tích hợp vào quy hoạch tỉnh theo quy định tại Luật Quy hoạch.


Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu ý kiến.

Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu HĐND tỉnh, ý kiến thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và nhận định các ý kiến thảo luận rất sâu sắc, chi tiết, quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh, ngành và các huyện, thành phố; là cơ sở quan trọng để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tỉnh. Đồng chí khẳng định UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh, các sở, ngành của tỉnh đã nỗ lực, nghiêm túc, tâm huyết, trách nhiệm, giành công sức, trí tuệ, nhân lực, thời gian, phối hợp cùng đơn vị tư vấn lập, hoàn chỉnh quy hoạch tỉnh; đến nay, cơ bản đã hoàn thiện các thủ tục trình Hội đồng thẩm định quy hoạch Quốc gia, làm cơ sở để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2022. Quá trình lập quy hoạch đã bám sát một số căn cứ quan trọng như Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và Miền núi phía Bắc; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch mạng lưới đường bộ; Khung đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; Phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia …; UBND tỉnh đã đánh giá thực trạng, cơ hội, thách thức, điểm nghẽn dự báo xu hướng phát triển, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, các địa phương để xây dựng các phương án, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, đề xuất tích hợp vào quy hoạch tỉnh; Bên cạnh đó, việc lập quy hoạch tỉnh cũng còn có những khó khăn do yêu cầu quy hoạch cao, phải bám vào quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng; lập quy hoạch phải có các đột phá và tầm nhìn chiến lược, có tính khả thi với tinh thần quy hoạch phái đi trước 01 bước. Để nghị quyết của HĐND tỉnh được ban hành đảm bảo hoàn chỉnh, toàn diện, sát hợp với những chủ trương, chính sách mới nhất, UBND tỉnh sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện quy hoạch, đáp ứng được yêu cầu xác định trong nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trước khi biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết về Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, HĐND tỉnh đã biểu quyết điều chỉnh, bổ sung 04 chỉ tiêu phát triển kinh tế gồm: (1) Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 9,5%/năm; (2) GRDP bình quân đầu người đạt trên 130 triệu đồng/năm vào năm 2030; (3) 100% nước thải từ cụm công nghiệp, khu công nghiệp được xử lý đạt tiêu chuẩn; (4) Các đột phá phát triển của tỉnh.

Về dự thảo nghị quyết Quy định mức thu, đối tượng thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng một số loại phí thẩm định trong lĩnh vực môi trường áp dụng trên địa bàn tỉnh: Việc dự thảo Nghị quyết quy định mức thu đối với 03 loại phí: Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường; thẩm định cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép môi trường đã cụ thể hoá các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính.


Đại biểu Đào Thị Mai.

Thảo luận nghị quyết này, đại biểu đại biểu Đào Thị Mai - Tổ đại biểu huyện Sơn Dương đề nghị làm rõ thêm tính tương quan của các mức thu so với quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính, căn cứ xây dựng mức thu phí thẩm định cấp giấy phép môi trường. Đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời, làm rõ quy định của Trung ương đối với các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, sự phù hợp với sự phát triển kinh tế của tỉnh; mức thu các loại phí cơ bản đảm bảo sự tương quan so với quy định của Bộ Tài chính và một số tỉnh lân cận như Yên Bái, Lạng Sơn.


Đại biểu dự kỳ họp.

Thảo luận các dự thảo nghị quyết: Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang thực hiện Dự án đầu tư khai thác, chế biến đá granit và đá phiến làm vật liệu xây dựng thông thường mỏ Thành Công, xã Thành Long, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang thực hiện Dự án đầu tư khai thác, chế biến quặng thiếc Phú Lâm, các đại biểu cho rằng chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang thực hiện các dự án đầu tư khai thác phù hợp với quy hoạch phân 03 loại rừng tỉnh Tuyên Quang; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất huyện Hàm Yên và thành phố Tuyên Quang giai đoạn 2021- 2030; khu vực rừng đề nghị chuyển đổi để thực hiện dự án không thuộc đối tượng cấm chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Đại biểu Lý Thu Hương- Tổ đại biểu huyện Yên Sơn đề nghị cơ quan tham mưu làm rõ tác động của các dự án đối với môi trường, cuộc sống người dân khu vực khai thác, việc thực hiện cam kết của đơn vị chủ đầu tư, đặc biệt là dự án đầu tư khai thác, chế biến quặng thiếc Phú Lâm thuộc địa bàn phường Mỹ Lâm, thành phố Tuyên Quang, gần địa điểm đang thi công dự án Khu Du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển chung của tỉnh.


Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Mạnh Duyệt.

Trả lời, làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm, đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Các cơ quan chuyên môn đã phối hợp rà soát, khảo sát xác định vị trí, ranh giới đảm bảo thống nhất giữa hồ sơ và thực địa, phù hợp với chỉ tiêu đất rừng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trong quá trình thực hiện các dự án, Sở sẽ tăng cường công tác kiểm tra hoạt động khai thác của các chủ đầu tư đảm bảo thực hiện các nội dung đã cam kết theo quy định.

Đối với dự thảo Nghị quyết Quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ; mức thu, đối tượng thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký cư trú trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang: Đại biểu Đỗ Thị Nhung - Tổ đại biểu huyện Sơn Dương đề nghị cơ quan soạn thảo cho biết rõ hơn các căn cứ xây dựng các mức thu; quy định miễn lệ phí đăng ký cư trú đối với một số đối tượng.


Đại tá Đỗ Tiến Thùy, Phó Giám đốc Công an tỉnh.

Đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Đây là nghị quyết quan trọng có liên quan đến quyền và lợi ích của công dân, phù hợp với yêu cầu quản lý Nhà nước về cư trú trên địa bàn tỉnh; các căn cứ xây dựng mức thu phù hợp với điều kiện của địa phương, thu nhập của người dân ở hai vùng thành thị và nông thôn, tương đồng với mức thu của một số tỉnh lân cận, kế thừa mức thu lệ phí về cư trú quy định tại Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 26/7/2017 của HĐND tỉnh; ngoài ra, đối với các đối tượng miễn, giảm được thực hiện theo đúng quy định của Luật Phí và Lệ phí năm 2015.

Nghị quyết Quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế tạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có ý nghĩa quan trọng đối với công tác phòng, chống Covid-19 góp phần thúc đẩy lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân và quá trình tự chủ đối với các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh.


Đại biểu Lý Thu Hương.

Đại biểu Lý Thu Hương - Tổ đại biểu huyện Yên Sơn mong muốn trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, ngành chuyên môn sẽ có hướng dẫn cụ thể các phướng án thực hiện đấu thầu, cung ứng sinh phẩm xét nghiệm, đặc biệt là y tế tuyến cơ sở. Trả lời ý kiến của đại biểu, đại diện lãnh đạo Sở Y tế, cơ quan chủ trì tham mưu dự thảo Nghị quyết khẳng định trong quá trình tổ chức, thực hiện, Sở Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý giá dịch vụ xét nghiệm.

Về dự thảo Nghị quyết Quy định nội dung, mức chi để chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi, cuộc thi trong lĩnh vực giáo dục áp dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, đại biểu Phạm Kiều Trang - Tổ đại biểu huyện Chiêm Hóa tham gia thảo luận và được đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trao đổi làm rõ phạm vi điều chỉnh, quy định đối với các hội thi sáng tạo kỹ thuật và cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, mức chi tiền công ra đề thi.


Toàn cảnh phiên bế mạc kỳ họp chuyên đề.

Với sự đổi mới theo hướng chuyên sâu vào từng nội dung, lĩnh vực, hoạt động thẩm tra, thảo luận về các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp chuyên đề được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, chất lượng thẩm tra được nâng lên. Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh đã chỉ ra nhiều nội dung chưa phù hợp trong dự thảo nghị quyết, qua đó làm cơ sở để đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu, thảo luận các dự thảo nghị quyết. Các đại biểu HĐND tỉnh đã phát huy trách nhiệm, dân chủ, tập trung thảo luận và thống nhất cao, biểu quyết thông qua các Nghị quyết trình kỳ họp.

Minh Trang
Ảnh: Thanh Phúc - Hoàng Thảo

Tin cùng chuyên mục