Tạo đà nâng cao chất lượng tăng trưởng

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh đạt 8,08%, đứng tốp 3 trong 11 tỉnh miền núi phía Bắc, đứng thứ 20 trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước... Đó là điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh, được Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung nhấn mạnh và đánh giá cao tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Tuyên Quang Khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Hiệu quả từ các quyết sách đúng, trúng

Vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xung đột thế giới và giá cả leo thang. Bằng sự đoàn kết, thống nhất trong thực hiện tốt chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới và các quyết sách đúng - trúng của HĐND tỉnh, bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang 6 tháng đầu năm nổi bật với những gam màu sáng. Điều này đã được Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn khẳng định tại phiên khai mạc. Trong đó, nổi bật là kinh tế của tỉnh duy trì ổn định và phát triển, đạt được tốc độ tăng trưởng khá, đứng thứ 3/11 tỉnh miền núi phía Bắc, 20/63 tỉnh, thành phố. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 8,08% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.399,7 tỷ đồng, bằng 50,3% dự toán, tăng 13,4% so với cùng kỳ… Công tác cải cách hành chính được triển khai thực hiện quyết liệt; chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ được quan tâm thúc đẩy. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế đạt được những kết quả tích cực...


Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung điều hành phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại kỳ họp. Ảnh: Nguyễn Ánh.

Với những thành quả đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung nhấn mạnh: Đó là sự thống nhất cao về ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn dân trong việc thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới. Đồng thời, tin tưởng rằng: Đây là tiền đề, động lực và là cơ sở vững chắc để Tuyên Quang tiếp tục kiên trì với kịch bản tăng trưởng và hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2022 ở mức cao nhất. Từ đó, tạo đà tăng tốc cho việc thực hiện các mục tiêu trong những năm tiếp theo, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Tháo gỡ các điểm "nghẽn"

Mặc dù lạc quan trước những chỉ số đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, nhất là tốc độc tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt ở mức cao nhất từ hơn 10 năm trở lại đây, song nhiều đại biểu thẳng thắn nhận định: Vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện mục tiêu kế hoạch và sự phát triển bền vững của tỉnh, như: Tiến độ thực hiện một số chương trình, dự án còn chậm, một số chỉ tiêu kinh tế đạt thấp, giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm vẫn chưa đạt kỳ vọng. Chưa giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng...

Dự và phát biểu tại kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Chẩu Văn Lâm ghi nhận, biểu dương những nỗ lực cố gắng đóng góp của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022. Về những tồn tại hạn chế, người đứng đầu Tỉnh ủy cho rằng: Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò, trách nhiệm của HĐND tỉnh và HĐND các cấp, nhất là chưa phát huy hiệu quả chức năng giám sát phát hiện, kiến nghị khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước của địa phương...


Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Nguyễn Ánh.

Để tháo gỡ được những "nút thắt" trên, người đứng đầu Tỉnh ủy đã đưa ra một số nội dung mang tính gợi mở, định hướng. Trong đó, nhấn mạnh cần tiếp tục bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; các nghị quyết, chương trình, đề án của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các nghị quyết của HĐND tỉnh, các chương trình, đề án, kế hoạch của UBND tỉnh để cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách, các giải pháp thiết thực, hiệu quả, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025...

Chủ động nắm chắc tình hình, tranh thủ cơ hội, vận hội, điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi, phát triển triển kinh tế - xã hội, duy trì tốc độ và chất lượng tăng trưởng cả trước mắt và dài hạn. Chuẩn bị các điều kiện tổ chức tốt Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” và Lễ hội thành Tuyên năm 2022, các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với phát triển du lịch. Giải quyết tốt việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Theo dõi, nắm chắc tình hình an ninh, trật tự, nhất là các vấn đề an ninh dân tộc, tôn giáo…

“Đặc biệt, phát huy những kết quả quan trọng đã đạt được, HĐND tỉnh cần tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát để việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là giám sát việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh đi vào cuộc sống, hiệu quả; thường xuyên rà soát, kịp thời thay thế, sửa đổi các nghị quyết không phù hợp, hiệu quả không cao; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước tại địa phương, đồng thời hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện tốt hoạt động TXCT, tiếp công dân, giải quyết đơn thư; liên hệ, gắn bó mật thiết với cử tri để kịp thời chuyển tải các ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri đến các cơ quan thẩm quyền và thường xuyên đôn đốc, giám sát việc giải quyết kịp thời, thấu đáo…” - Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh thêm.

Trên cơ sở nhận diện, đánh giá, phân tích toàn diện bức tranh kinh tế - xã hội, 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được UBND tỉnh đưa ra trình kỳ họp, thể hiện rõ quyết tâm của UBND tỉnh trong duy trì nhịp tăng tăng trưởng và nỗ lực phấn đấu hoành thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đề ra ở mức cao nhất. Và để phấn đấu hoàn thành vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8,3% và GRDP bình quân 50 triệu đồng/người là thách thức rất lớn, đòi hỏi tinh thần cộng đồng trách nhiệm của các cấp, các ngành và ủng hộ, đồng thuận cao của các tầng lớp Nhân dân toàn tỉnh.

Bách Hợp
Báo điện tử ĐBND

Tin cùng chuyên mục