Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét các báo cáo và nghị quyết trình kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ tư Hội đồng nhân dân tỉnh.

Chiều ngày 01/7/2022 HĐND tỉnh đã xem xét báo cáo thẩm tra, báo cáo giám sát chuyên đề của các Ban HĐND tỉnh và thông qua các dự thảo nghị quyết để triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh.


Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh chủ trì phiên họp.

Trong báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh đều nhận định 6 tháng đầu năm, vượt qua khó khăn, thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã linh hoạt, năng động, sát sao trong điều hành, chỉ đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế; đồng thời nêu những tồn tại, hạn chế, nguyên nguyên và kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai kịp thời các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo.

Kỳ họp đã xem xét báo cáo giám sát chuyên đề của các Ban HĐND tỉnh.


Đồng chí Nông Thị Bích Huệ, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh.

Giám sát chuyên đề về việc sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và triển khai chương trình sách giáo khoa mới của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chỉ rõ: Việc sắp xếp điểm trường, lớp học: Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 468 trường, 812 điểm trường lẻ, giảm được 6 trường, 72 điểm trường lẻ, giảm 10 lãnh đạo, 11 nhân viên và 121 giáo viên so với năm học 2020 - 2021. Thực hiện chuyển đổi 7 trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú. Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được thực hiện theo lộ trình. Tuy nhiên, việc thực hiện sắp xếp một số trường, điểm trường chưa đảm bảo theo lộ trình tại Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 30/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh, còn 11/50 điểm trường lẻ chưa được sắp xếp về điểm trường chính. Việc xây dựng kế hoạch sắp xếp điểm trường, lớp học ở một số địa phương chưa phù hợp và sát với thực tế. Việc thực hiện hợp nhất, thành lập, chuyển đổi một số trường chưa thực hiện do các trường mới được đầu tư xây dựng khối phòng học, còn thiếu phòng ở bán trú, phòng ăn, bếp ăn và các công trình phụ trợ phục vụ công tác bán trú; chưa có kinh phí đầu tư cơ sở vật chất. Cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy học, công tác nội trú, bán trú ở nhiều trường còn khó khăn, nhất là các trường mới thực hiện chuyển đổi, hợp nhất. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 tại các trường học còn một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện và chất lượng dạy học…


Đồng chí Phùng Tiến Quân, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh.

Báo cáo giám sát chuyên đề của Ban Pháp chế HĐND tỉnh về thực thi công vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước và công chức cho thấy: Tỉnh đã hoàn thành sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy của 20/20 cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh; giảm 71 đơn vị sự nghiệp công lập, 159 đầu mối, giảm 269 lãnh đạo, quản lý thuộc đơn vị sự nghiệp công lập. Chất lượng thực thi công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước và cán bộ, công chức có kết quả tiến bộ, tích cực; các quyết định và hành vi hành chính của các cơ quan có thẩm quyền đã được nhân dân chấp hành, số lượng án hành chính do Toà án nhân dân hai cấp thụ lý trong 6 tháng đầu năm 2022 giảm 18 vụ so với cùng kỳ. Bên cạnh đó còn tồn tại một số hạn chế như: Bộ máy, tổ chức hoạt động sau sáp nhập ở một số cơ quan, đơn vị còn có khó khăn, vướng mắc; việc ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện theo quy định của Trung ương, chỉ đạo của tỉnh còn chậm; việc ban hành quy định, quy chế thực hiện nhiệm vụ tại một số cơ quan, đơn vị và việc thực thi nhiệm vụ của đội ngũ công chức còn một số hạn chế; công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ có việc chưa chặt chẽ…


Đồng chí Hà Quang Giai, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh.

Báo cáo giám sát chuyên đề về hoạt động tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019-2021 của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh đánh giá: Trong 3 năm (2019 - 2021), UBND tỉnh và các huyện, thành phố đã bố trí trên 29 tỷ đồng từ ngân sách ủy thác cho Ngân hàng CSXH thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội; thành lập 2.380 tổ tiết kiệm và vay vốn với 81.760 tổ viên; thực hiện 19/19 chương trình tín dụng chính sách xã hội tại 1.733 thôn, xóm, tổ dân phố; tổng doanh số cho vay 3 năm đạt 2.863 tỷ đồng với 73.930 lượt hộ gia đình được vay vốn… góp phần giúp 19.499 hộ thoát nghèo, 19.293 hộ thoát cận nghèo; tạo việc làm mới cho trên 60.000 lao động; xây dựng 36.900 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội có nơi, có lúc chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi, cách thức làm ăn, sử dụng vốn vay cho các hộ gia đình vay vốn có nơi chưa đồng bộ dẫn tới hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách còn có phần hạn chế, nhất là hộ nghèo…


Đại biểu biểu quyết bằng máy tính bảng.

Với tỷ lệ đại biểu nhất trí, tán thành cao, kỳ họp đã xem xét thông qua các dự thảo nghị quyết về: Quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025; Phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022; Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và mức vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu  quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Phân bổ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Tuyên Quang’ Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Tuyên Quang.


Quang cảnh phiên họp (chiều ngày 01/7/2022).

Theo chương trình, sáng ngày 02/7/2022 kỳ họp tổ chức phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; baotuyenquang.com.vn, Fanpage Báo Tuyên Quang online, Trang thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Hương Lan
Ảnh: Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục