Thảo luận nhiều nội dung quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh tại kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh

Theo nội dung chương trình kỳ họp thứ tư đã được các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, sáng ngày 02/7/2022 Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang khoá XIX thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 tháng đầu năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 tháng cuối năm 2022.
Video không hợp lệ

Các đại biểu dự phiên thảo luận tại kỳ họp.

Phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp qua Đài Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang online, Fanpage Báo Tuyên Quang, Trang thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.


Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên thảo luận.

Dưới sự điều hành trực tiếp của đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm. Tại phiên thảo luận, đã có 29 lượt đại biểu đăng ký thảo luận; 19 lượt đại biểu phát biểu thảo luận trực tiếp với 25 nội dung quan trọng. Các ý kiến thảo luận thể hiện sự đồng tình với báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh đánh giá cao kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm về phát triển kinh tế - xã hội đồng thời phân tích hạn chế và đề xuất biện pháp khắc phục hạn chế, khó khăn trên từng lĩnh vực.

Về lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đại biểu Lý Đỗ Thành Quang đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết vướng mắc, khó khăn do thiếu đất đắp để triển khai thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn thành phố nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Do hiện nay, quy định “Đất, đá làm vật liệu san lấp là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường” nên để được cấp phép khai thác, các tổ chức, cá nhân thực hiện quy trình qua nhiều khâu, bước và ảnh hưởng đến tiến độ thi công, giải ngân các công trình, dự án cần sử dụng đất. Đại biểu Quan Văn Duyên đề nghị sớm phân bổ nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm 2022 và các công trình, dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; đề nghị đầu tư đường điện tại 8 thôn trên địa bàn tỉnh chưa có điện nhằm đảm bảo sinh hoạt của Nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.


Đại biểu Nguyễn Văn Việt, Tổ đại biểu huyện Yên Sơn phát biểu thảo luận.

Về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, các đại biểu Nguyễn Văn Việt, Nguyễn Thị Thanh Huyền, Mai Quang Thắng đều có ý kiến đề nghị các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt hơn nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp như: Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/07/2021 của HĐND tỉnh Tuyên Quang về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025. Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 15/12/2020 của HĐND tỉnh về quy định chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang;  Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 01/08/2019 của HĐND tỉnh Tuyên Quang về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Cùng với đánh giá thực trạng, các đại biểu đề xuất các giải pháp khắc phục hạn chế, khó khăn như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn đến Nhân dân biết và tiếp cận được chính sách, vận động và hướng dẫn các đối tượng có nhu cầu thực hiện các thủ tục đăng ký thực hiện; kịp thời thẩm định, phê duyệt, cấp kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện nghị quyết.


Đại biểu Hứa Thị Hà, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương phát biểu thảo luận.

Về lĩnh vực tài nguyên và môi trường đại biểu Hứa Thị Hà, Vũ Thanh Tùng, Chẩu Văn Huấn, Mai Quang Thắng quan tâm, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc sáp nhập hợp nhất các Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên, Yên Sơn còn nhiều bất cập, do thiếu biên chế và nhu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân ngày một tăng lên, dẫn đến hồ sơ của Nhân dân chưa được giải quyết kịp thời. Việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất qua dịch vụ bưu chính công ích có lúc còn chậm, lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác vệ sinh môi trường, nhất là vùng nông thôn còn hạn chế nhất định.


Đại biểu Nông Thị Bích Huệ, Tổ đại biểu huyện Na Hang - Lâm Bình phát biểu thảo luận. 

Về lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, bảo hiểm được 07 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh (Nông Thị Bích Huệ, Tăng Thị Dương, Vũ Thị Giang, Hoàng Thị Thu Hiền, Lý Thu Hương, Lý Đỗ Thành Quang, Sầm Văn Dinh) phát biểu với nhiều nội dung cụ thể như: Hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đề xuất một số giải pháp trong lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa, dạy môn Tin học và Ngoại ngữ, trang cấp, sử dụng thiết bị dạy học…; việc phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho dân tộc thiểu số; công tác tiêm phòng vacxin Covid - 19 mũi 4 cho người trên 18 tuổi, mũi 1 và 2 cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi; việc thiếu thuốc bảo hiểm y tế; thanh toán tiền bảo hiểm y tế, triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang…


Đại biểu Phùng Tiến Quân, Tổ đại biểu huyện Yên Sơn phát biểu tại phiên thảo luận. 

Về lĩnh vực tư pháp, nội vụ, an ninh trật tự. Đã có 05 đại biểu (Nguyễn Vũ Linh, Lý Ngọc Thanh, Phùng Tiến Quân, Trần Thị Hà) phát biểu đánh giá về kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải pháp về một số nội dung cụ thể: Nâng cao hơn một số chỉ số thành phần trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt thấp trong năm 2021; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự đô thị ở cơ sở. Đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm tội phạm là người mắc bệnh tâm thần; quản lý người đã chấp hành xong hình phạt tù tại địa phương tái hoà nhập cộng đồng; phòng, chống tình trạng cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự; quan tâm giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo; công tác quản lý, sử dụng cơ sở vật chất tại cơ sở…


Đại biểu Vân Đình Thảo, Tổ đại biểu huyện Hàm Yên phát biểu thảo luận.

Dưới sự điều hành của chủ toạ kỳ họp, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành và lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh phát biểu trao đổi, làm rõ một số nội dung. Đồng chí Vân Đình Thảo, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phát biểu với nội dung: Trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả một số mặt hàng tăng cao, song với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và nhân dân, kinh tế của tỉnh phục hồi, phát triển nhanh, đạt tốc độ tăng trưởng  8,08%, đứng thứ 3/11 tỉnh miền núi phía Bắc, 20/63 tỉnh, thành phố. Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm theo kế hoạch là 13,6% thì 6 tháng cuối năm chúng ta phải phấn đấu đạt được 8,42%, trong đó giá trị tương ứng là trên 12.000 tỷ đồng. Những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm là tiền đề quan trọng để thực hiện hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2022.

Tiếp thu, giải trình về các ý kiến thuộc lĩnh vực của ngành, Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường phát biểu. Hiện nay ngành không thể tăng biên chế tại các Văn phòng đăng ký đất đai, do vậy việc phục vụ người dân thường xuyên bị quá tải. Trước thực trạng đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký Quy chế phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số. Lĩnh vực đất đai là lĩnh vực có tính pháp lý cao, thủ tục hành chính liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, vì vậy sở cũng đã ký kết phối hợp với các ngành, các huyện, thành phố để thời gian tới có thể phục vụ người dân được tốt hơn, đồng bộ hơn. Bên cạnh đó, sở tích cực ứng dụng các phần mềm liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số của ngành, đồng thời giúp người dân thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.


Quang cảnh phiên thảo luận (Sáng ngày 02/7/2022). Ảnh Tâm Phạm.

Phát biểu tại hội trường về những vấn đề đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh quan tâm, đồng chí Vũ Đình Hưng, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều môn mới so với chương trình cũ. Trong khi đó lực lượng giáo viên của tỉnh còn thiếu, điển hình như môn Tin học cho lớp 3 thiếu 138 giáo viên.  Do đó, thời gian qua ngành đã thực hiện nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên như tăng cường đào tạo bồi dưỡng giáo viên bộ môn mới; chỉ đạo các trường xây dựng thời khóa biểu khoa học; sắp xếp lịch học để phân công luân chuyển giáo viên giữa các trường; ưu tiên tuyển dụng giáo viên Tin học, ngoại ngữ. Về lâu dài thì cần phải tiếp tục sắp xếp các điểm trường lớp học, nghiên cứu bố trí giáo viên dạy liên trường, tăng cường dạy trực tuyến; tuyên truyền, khuyến khích các học sinh giỏi đi học sư phạm để có nguồn tuyển sau này; xây dựng chính sách hỗ trợ học sinh giỏi đi học sư phạm; khuyến khích giáo dục phổ thông ngoài công lập...


Đồng chí Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận. 

Đồng chí Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Sở Y tế; Hoàng Anh Cương, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Công thương đã phát biểu làm rõ thêm một số nội dung về tiêm phòng vacxin phòng, chống dịch bệnh Covid - 19; thuốc điều trị trong ngành y tế; công tác khám, điều trị bệnh nhân tâm thần; việc đầu tư xây dựng đường điện tại 08 thôn trên địa bàn tỉnh; việc giải quyết kiến nghị của cử tri…Đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hoàng Việt Phương đã phát biểu làm rõ thêm một số nội dung về công tác phòng, chống dịch Covid - 19; nguồn vốn và việc thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia…

Kết luận phiên thảo luận, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo, tập trung, quyết liệt, điều hành linh hoạt của UBND tỉnh; sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trong 6 tháng đầu năm 2022. Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, đời sống nhân dân ổn định. Bên cạnh đó, đồng chí Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo sở, ngành chuyên môn và Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố tập trung giải quyết một số nội dung như sau:

- Tăng cường quản lý thu, chi ngân sách. Thực hiện đồng bộ các giải pháp thu ngân sách nhà nước trên địa bàn bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định. Thực hiện tốt nhiệm vụ tài chính, ngân sách, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn ngân sách Nhà nước. Có giải pháp cụ thể đảm bảo thu đúng thu đủ các khoản thu đạt thấp trong 6 tháng đầu năm.

- Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công được giao.  

- Quan tâm, triển khai thực hiện các nghị quyết, cơ chế, chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, tăng cường hơn nữa  công tác tuyên truyền và triển khai các cơ chế chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành.

- Khẩn trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, có giải pháp giải quyết bất cập trong việc thực hiện hợp nhất các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên, Yên Sơn.

- Sớm thực hiện đầu tư đường điện đối với 08 thôn chưa có điện trên địa bàn tỉnh phục vụ Nhân dân trong sinh hoạt, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.

- Chú trọng thực hiện các nhiệm vụ về y tế, văn hóa, giáo dục, sớm có giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu biên chế giáo viên, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học;

- Khẩn trương giải quyết vướng mắc, khó khăn và thực hiện nghiêm túc Kết luận chất vấn của Hội đồng nhân dân tỉnh về quyết toán kinh phí khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế và thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội…

- Các cấp, các ngành quan tâm thực hiện công tác cải cách hành chính cần hiệu quả, thực chất hơn nữa.

- Về giải quyết kiến nghị của cử tri, từ kỳ họp sau Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ công bố công khai các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; công khai các cơ quan, đơn vị thực hiện chậm việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri hoặc trả lời chung chung, không đúng ý kiến kiến nghị cử tri phản ánh.

Kết thúc phiên thảo luận, đồng chí Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố theo trách nhiệm quản lý của mình có những giải pháp tích cực trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện kịp thời những nhiệm vụ. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, khó khăn vướng mắc. Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh cần tăng cường hơn nữa trong hoạt động giám sát thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Các cấp, các ngành, các địa phương phát huy những kết quả đã đạt được, tập trung cao độ thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, kế hoạch năm 2022.

Thùy Linh
Ảnh: Thanh Phúc
Video: tuyenquangtv.vn

Tin cùng chuyên mục