Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ năm Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIX

Sáng ngày 11/12/2022, kỳ họp thứ năm Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Phạm Mạnh Duyệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang về các nội dung: Công tác quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung; về thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng; về quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.


Các đồng chí Chủ tọa Kỳ họp điều hành phiên chất vấn.

Đây là những vấn đề còn nhiều hạn chế, tồn tại, nổi cộm kéo dài. Phiên chất vấn của Hội đồng nhân dân tỉnh diễn ra nghiêm túc, trách nhiệm, được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Tuyên Quang điện tử, Fanpage Báo Tuyên Quang online và Trang thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh với sự tham gia theo dõi của đông đảo cử tri. Đại biểu Hội đồng nhân dân, các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong chất vấn và trả lời chất vấn, qua đó làm sáng tỏ nhiều vấn đề được Nhân dân và cử tri quan tâm. Trả lời chất vấn của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh rõ ràng, đúng trách nhiệm.


Đại biểu Nguyễn Thị Thu Chang, Tổ đại biểu Na Hang - Lâm Bình đặt câu hỏi chất vấn.

Về công tác quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung có 01 đại biểu HĐND tỉnh nêu 02 câu hỏi chất vấn và có 01 đại biểu tranh luận với nội dung trả lời chất vấn của giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Về thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng có 01 đại biểu HĐND tỉnh nêu 02 câu hỏi chất vấn và có 01 đại biểu tranh luận với nội dung trả lời chất vấn của giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.


Đại biểu Trần Giang Nam, Tổ đại biểu HĐND huyện Sơn Dương đặt câu hỏi chất vấn.

Về quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh có 02 đại biểu HĐND tỉnh nêu 03 câu hỏi chất vấn và 01 đại biểu tranh luận với nội dung trả lời chất vấn của giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường.


Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn tại kỳ họp.

Sau phần trả lời chất vấn của các giám đốc Sở; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang đã báo cáo tiếp thu, làm rõ hơn các vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh chất vấn và tranh luận.

Kết luận phiên chất vấn, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận những nỗ lực, cố gắng và kết quả đã đạt được của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ về: Công tác quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung; về thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng; về quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Kết quả đạt được đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân. Tuy nhiên trên từng lĩnh vực cũng còn những hạn chế cần sớm có các giải pháp khắc phục. Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết của giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên chất vấn. Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị UBND tỉnh, Giám đốc các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và môi trường và các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện những giải pháp đã cam kết, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên những lĩnh vực được chất vấn; lưu ý một số nội dung cụ thể trên từng lĩnh vực là:

Đối với vấn đề quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung: Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, có phương án xử lý, khắc phục phù hợp với nguồn lực của tỉnh; xác định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đảm bảo hiệu quả, hạn chế việc làm thất thoát, lãng phí nguồn lực của nhà nước và nhân dân; khẩn trương ban hành quy định về quản lý công trình nước sạch tập trung nông thôn; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện bàn giao, tiếp nhận, quản lý, sử dụng và khai thác công trình theo đúng quy định. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các địa phương cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, xem xét tính khả thi của từng công trình đã được đưa vào danh mục cải tạo, nâng cấp, mở rộng; xem xét đề xuất phương án quản lý đối với công trình cấp nước sinh hoạt tập trung không hoạt động và hoạt động không hiệu quả; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh.Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành việc bàn giao quản lý, vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn theo đúng quy định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và đóng góp chi phí khi có nhu cầu sử dụng nước.


Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Tâm Phạm.

Đối với vấn đề thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng: Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường tuyên truyền đến toàn thể cộng đồng dân cư tại địa bàn được hưởng chính sách nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và quyền lợi của các chủ thể tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách chi trả nhằm đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân và giải pháp đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả; tăng cường theo dõi, rà soát công nợ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng và tiền trồng rừng thay thế; chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với Uỷ ban nhân dân cấp xã để thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh.

Đối với vấn đề quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh: Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thành phố rà soát lại toàn bộ hiện trạng đất các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý; có phương án thu hồi các diện tích sử dụng không có hiệu quả trả lại cho địa phương quản lý và bổ sung vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương; tập trung tháo gỡ vướng mắc trong việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nguồn gốc từ các công ty lâm nghiệp, công ty chè trả về địa phương cho các hộ gia đình, cá nhân theo đúng quy định; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Tổ chức làm việc với Bộ Công Thương để chỉ đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam hoàn thành đề án sắp xếp, đổi mới hoạt động và phương án sử dụng đất của 04 đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh do Tổng công ty Giấy Việt Nam quản lý, làm căn cứ để thực hiện công tác quản lý đất đai theo quy định của pháp luật; đề nghị trung ương hỗ trợ tỉnh kinh phí thực hiện đo đạc địa chính đối với diện tích tiếp nhận từ các Công ty lâm nghiệp, Công ty cổ phần chè bàn giao cho địa phương quản lý; Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ động bố trí nguồn lực của địa phương để thực hiện nhiệm vụ này./.

Ngọc Duy
Ảnh: Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục