Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự kỳ họp.
Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong các kỳ họp trước, kỳ họp thứ năm của HĐND tỉnh tiếp tục có những đổi mới: Dành thời gian thỏa đáng cho phiên thảo luận; tăng cường tranh luận tại phiên chất vấn; nâng cao vai trò, trách nhiệm của HĐND trong hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; truyền hình trực tiếp các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh, báo cáo giám sát của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giải quyết kiến nghị cử tri, báo cáo thẩm tra và giám sát chuyên đề của các Ban của HĐND, các báo cáo trình tại kỳ họp của UBND tỉnh, các cơ quan tư pháp, Thông báo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.
Là kỳ họp thường lệ cuối năm, kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh có khối lượng công việc rất lớn, trong đó có nhiều nghị quyết được bổ sung so với nội dung, chương trình kỳ họp được quyết nghị từ kỳ họp cuối năm trước. Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thảo luận, xem xét kỹ lưỡng và thống nhất thông qua 31 dự thảo nghị quyết với tỷ lệ tán thành cao, trong đó: 02 nghị quyết về hoạt động của HĐND tỉnh năm 2023; 05 nghị quyết về lĩnh vực tài chính, ngân sách; 02 nghị quyết về an sinh xã hội; 05 nghị quyết về lĩnh vực đầu tư xây dựng; 07 nghị quyết về lĩnh vực đất đai; 05 nghị quyết cụ thể hóa các quy định triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; 02 nghị quyết về giao chỉ tiêu biên chế, công chức, số người làm việc, hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức hội; về kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh; đặt tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Tuyên Quang; thị trấn các huyện: Na Hang, Hàm Yên, Yên Sơn và điều chỉnh phạm vi một số tuyến đường, phố trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp đều được xây dựng đảm bảo quy trình, thủ tục, được Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến và được các Ban của HĐND tỉnh thẩm tra thẩm tra theo đúng quy định của pháp luật để trình HĐND xem xét, quyết định.
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu bế mạc kỳ họp.
Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, HĐND tỉnh đã xem xét 27 báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, 03 cơ quan tư pháp; nghe thông báo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về công tác tham gia xây dựng, củng cố chính quyền năm 2022; báo cáo của Đoàn ĐBQH tỉnh về kết quả kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XV. Trong số các báo cáo trình tại kỳ họp, các báo cáo về kết quả giám sát chuyên đề (bằng hình ảnh) của HĐND tỉnh về tiến độ thực hiện Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 20/11/2020 của HĐND tỉnh; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh khóa XIX của Thường trực HĐND tỉnh; báo cáo thẩm tra và báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của các Ban của HĐND tỉnh nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri.
Dưới sự chỉ đạo, điều hoà của Thường trực HĐND tỉnh, việc thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp được các Ban của HĐND tỉnh nỗ lực, nghiêm túc thực hiện, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Ban để thẩm tra những vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực. Công tác thẩm tra bảo đảm khoa học, toàn diện, chất lượng các báo cáo thẩm tra ngày càng được nâng cao, là căn cứ tin cậy để đại biểu tham khảo trước khi quyết định thông qua nghị quyết, thảo luận hoặc chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh.
Tại phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2023, đã có 35 đại biểu đăng ký thảo luận; 19 đại biểu phát biểu thảo luận trực tiếp tại hội trường; 03 đại biểu lãnh đạo sở, ngành và 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu ý kiến. Các ý kiến thảo luận thẳng thắn chỉ ra khó khăn, vướng mắc, tồn tại hạn chế và đề xuất giải pháp về: Vấn đề quản lý hành lang đường bộ, quản lý đất công ích, thủ tục hành chính về đất đai, bảo đảm kinh phí cho vệ sinh môi trường tại cơ sở; việc thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ theo nghị quyết của HĐND tỉnh; công tác chuyển đổi số; vấn đề về lao động, việc làm; công tác quản lý đô thị, đất đai, khoáng sản và việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh…
Các đại biểu trao đổi bên lề kỳ họp.
Kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh đã thực hiện chất chất vấn và trả lời chất vấn đối với lãnh đạo UBND tỉnh và Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường về các nội dung: Công tác quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung; về thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; về quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đã có 04 đại biểu tham gia chất vấn; 03 đại biểu tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm. Việc chất vấn tại kỳ họp diễn ra dân chủ, trách nhiệm, các đại biểu đặt câu hỏi thẳng thắn, đúng trọng tâm, tập trung vào những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, kéo dài nhiều năm. Đại biểu HĐND tỉnh, các thành viên UBND tỉnh đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong chất vấn và trả lời chất vấn, qua đó, làm sáng tỏ những vấn đề cử tri quan tâm. Lãnh đạo UBND tỉnh, Giám đốc các Sở cơ bản báo cáo, giải trình các vấn đề mà đại biểu nêu ra, thấy được những hạn chế, thiếu sót, trách nhiệm của ngành mình và đưa ra được giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Toàn cảnh phiên bế mạc. Ảnh: Tâm Phạm.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị: UBND tỉnh và các cấp, các ngành quán triệt, thực hiện nghiêm túc phát biểu chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại kỳ họp; tiếp tục bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết, quyết định, quy định của Quốc hội, Chính phủ để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, đề án... của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh; rà soát, đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, nhất là các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhằm hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023, bảo đảm lộ trình thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra.
Đối với 31 nghị quyết được thông qua tại kỳ họp, đồng chí đề nghị sau khi các nghị quyết được ban hành UBND tỉnh cần tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện ngay để đưa nghị quyết sớm đi vào cuộc sống; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất chỉnh sửa, bổ sung những điểm bất cập. Đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tăng cường giám sát để bảo đảm các nghị quyết của HĐND tỉnh được thực hiện hiệu quả.