Thảo luận thông qua dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh khóa XIX

Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong chiều 09 và ngày 10/12/2022, các đại biểu HĐND tỉnh đã xem xét thông qua 28 nghị quyết


Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự kỳ họp.

Các nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng, tác động đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2023 cũng như cả giai đoạn  2021-2025, nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định của pháp luật, thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.


Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh chủ trì phiên họp.

Đối với 02 nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương năm 2021; Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2023: Đại diện lãnh đạo Cục Thuế tỉnh, Sở Tài chính đã báo cáo làm rõ thêm một số chỉ tiêu thu và dự báo những khó khăn trong triển khai nhiệm vụ thu chi ngân sách năm 2023, đồng thời thông tin thêm về các chính sách Trung ương giao cho tỉnh, một số nhiệm vụ chi cho các nhiệm vụ đã được phân bổ theo dự toán. Năm 2023, tăng trưởng và tốc độ tăng thu của tỉnh đề ra khá cao nên đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm, phối hợp của các địa phương và các ngành liên quan để quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.


Đại biểu Tạ Đức Tuyên, Tổ đại biểu Thành phố phát biểu ý kiến.

Thảo luận về dự thảo nghị quyết Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2023, đại biểu Tạ Đức Tuyên, Tổ đại biểu Thành phố Tuyên Quang bày tỏ sự đồng tình nhất trí cao. Đồng chí cho biết, thành phố Tuyên Quang có số thu lớn nhất so với các địa phương còn lại trong tỉnh, với lộ trình cụ thể thành phố quyết tâm đạt được con số dự toán mà HĐND tỉnh giao. Về giải pháp thu ngân sách, đại biểu cho rằng cần có kế hoạch cụ thể và sự phối hợp chặt chẽ giữa các xã, phường với ngành Thuế, tăng cường công tác chỉ đạo các cấp, ngành tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp thu ngân sách; giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023.

Dự thảo nghị quyết Phê duyệt kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương năm 2023, tỉnh Tuyên Quang​ nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của đại biểu HĐND tỉnh. Năm 2023, tổng số vốn ngân sách địa phương trên 1.484 tỷ đồng được phân bổ, phân cấp cho các huyện, thành phố quản lý; phân bổ chi tiết cho các danh mục công trình, dự án như: kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, các công trình dự kiến khởi công mới năm 2023, bổ sung cho Chương trình mục tiêu quốc gia…

Dự thảo nghị quyết điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 và điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương năm 2022, tỉnh Tuyên Quang điều chỉnh, bổ sung danh mục công trình thuộc địa bàn các huyện Yên Sơn, Na Hang, Lâm Bình vào kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 – 2025; điều chỉnh tên 02 dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của tỉnh (“Dự án Xây dựng Trung tâm Chăm sóc, điều dưỡng người có công với cách mạng và người cao tuổi tỉnh Tuyên Quang” thành “Dự án Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Tuyên Quang”; “Khu đô thị Trung Môn” thành “Khu dân cư Lý Nhân” ); bổ sung tăng vốn Kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương năm 2022 cho 02 dự án: Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia giai đoạn 2013-2020 cho xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn được đại biểu thống nhất thông qua với tỷ lệ phiếu đạt cao.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn trình bày dự thảo Nghị quyết.

Các dự thảo nghị quyết: Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi Trung tâm huyện Yên Sơn Km14 QL2 Tuyên Quang - Hà Giang; Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) - đoạn qua tỉnh Tuyên Quang: Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng các tuyến đường nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, từng bước phát triển hệ thống giao thông đường bộ đồng bộ, hiện đại và bền vững, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới giao thông của tỉnh Tuyên Quang, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối giao thông liên vùng và các khu vực kinh tế trọng điểm khác, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh. Do đó, việc ban hành nghị quyết là cần thiết, phù hợp với thực tiễn.


Đồng chí Nông Thị Bích Huệ, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tinh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh
trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết.

Với mục tiêu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào thông qua các di tích hiện còn; đầu tư, tôn tạo đồng bộ về kiến trúc cảnh quan, hoàn thiện cơ sở vật chất nhằm hình thành điểm sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nghiên cứu khoa học, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân; điểm du lịch văn hóa đặc sắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo cho người dân vùng căn cứ cách mạng Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang và vùng phụ cận, dự thảo nghị quyết phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang gắn với phát triển du lịch đến năm 2025 được các đại biểu đồng thuận, nhất trí thông qua với tỷ lệ 100%. Tổng mức đầu tư dự án là 500 tỷ đồng; thời gian thực hiện được chia làm 2 giai đoạn: 2020 – 2024 và từ năm 2025.


Đại biểu biểu quyết nghị quyết thông qua máy tính bảng.

Đối với các dự thảo nghị quyết: Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng một số loại phí thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch áp dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang: Các dự thảo nghị quyết được xây dựng đúng theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật hiện hành; quy định rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí; 100% tiền lệ phí thu được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.


Đại biểu Vũ Thị Giang, Tổ đại biểu Sơn Dương.

Một trong những dự thảo nghị quyết nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của đại biểu HĐND tỉnh là nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ người mắc bệnh Suy thận mạn tính phải chạy thận nhân tạo chu kỳ, bệnh Tan máu bẩm sinh (Thalassaemia) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Dự thảo nghị quyết áp dụng cho các đối tượng là người được cơ sở y tế đủ điều kiện chẩn đoán xác định mắc bệnh chính là tan máu bẩm sinh, suy thận mạn tính phải chạy thận nhân tạo chu kỳ có đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh.  Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc hỗ trợ cho người mắc bệnh Suy thận mạn tính phải chạy thận nhân tạo chu kỳ, bệnh tan máu bẩm sinh trên địa bàn tỉnh. Nội dung và mức hỗ trợ được quy định cụ thể như tiền ăn, đi lại, thuê phòng trọ, chi phí điều trị ngoài phạm vi được hưởng của quỹ BHYT. Đặc biệt, người bệnh thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hưởng 100% mức hỗ trợ của các chính sách; các đối tượng còn lại được hưởng 80% mức hỗ trợ của các chính sách quy định tại Nghị quyết này.

Thảo luận về dự thảo nghị quyết, đại biểu Hứa Thị Hà, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ lý do đưa bệnh tan máu bẩm sinh vào trong loại bệnh được hỗ trợ kinh phí vì bệnh này không quy định trong loại bệnh hiểm nghèo. Đại biểu Vũ Thị Giang, Phó Trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh, đại diện Ban của HĐND tỉnh được phân công thẩm tra dự thảo nghị quyết cho rằng: Bệnh tan máu bẩm sinh là một trong những bệnh có tính chất nguy hiểm, người bệnh phải điều trị thường xuyên, liên tục, là bệnh lý có di truyền, người bệnh hầu hết không có khả năng lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người bệnh. Đây là nghị quyết được xây dựng theo hướng cơ chế đặc thù của tỉnh, mang tính nhân văn sâu sắc. Đại biểu cũng cho biết thêm một trong những nguyên nhân dẫn đến loại bệnh này là do hôn nhân cận huyết thống và đây là một trong những cách tuyên truyền về phòng tránh bệnh tan máu bẩm sinh để hạn chế tỷ lệ mắc bệnh thấp nhất trên địa bàn tỉnh.


Đại biểu dự phiên họp.

Nhóm dự thảo nghị quyết triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nhận được sự thống nhất, đồng thuận cao, gồm: Quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025; Quy định cơ chế huy động các nguồn lực khác quy định tại Điều 11, Điều 12 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025; Quy định về tỷ lệ số lượng dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù giai đoạn 2021 - 2025 thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Quy định mức hỗ trợ nguồn kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ chi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025. Các dự thảo nghị quyết được ban hành là cơ sở để triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thống nhất, kịp thời, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp chính quyền trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia. Vì vậy, việc ban hành nghị quyết là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật, đúng phân cấp, trình tự, thẩm quyền theo quy định của pháp luật.


Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Vân Đình Thảo phát biểu thảo luận.

Thảo luận về dự thảo nghị quyết Quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, đại biểu Vân Đình Thảo, Tổ đại biểu huyện Hàm Yên - đại diện cơ quan soạn thảo đã nêu rõ việc huy động nguồn lực gồm nhiều yếu tố. Đối với việc áp dụng mức hỗ trợ đối với một số công trình như nhà văn hóa thôn, bản tại các xã vùng đặc biệt khó khăn vẫn thực hiện theo Nghị quyết số  88/2021/NQ-HĐND ngày 21/12/2021 của HĐND tỉnh thông qua Đề án xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 2025 hỗ trợ 300 triệu đồng/nhà. Đồng chí đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh khi đi tiếp xúc cử tri cần tuyền truyền rõ để khi triển khai đảm bảo hiệu quả.

Về lĩnh vực quản lý đất đai, các đại biểu HĐND tỉnh đã nhất trí thông qua 02 nghị quyết: Danh mục công trình, dự án thực hiện thu hồi đất năm 2023 theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai năm 2013. Dự thảo nêu rõ, tổng số dự án phải thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy định tại khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai là 95 công trình với tổng diện tích 487,8 ha. Điều chỉnh diện tích 2 dự án với diện tích 570,26 ha để thực hiện thu hồi đất năm 2023, đưa ra khỏi Danh mục công trình, dự án thực hiện thu hồi đất năm 2022 là 2 công trình, với tổng diện tích 5ha. Theo đó có 9 công trình, dự án phải chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với tổng diện tích chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 11,64 ha, thuộc địa bàn thành phố Tuyên Quang và các huyện: Hàm Yên, Yên Sơn, Lâm Bình, Sơn Dương.

Kỳ họp cũng đã thông qua các dự thảo nghị quyết Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang thực hiện các dự án: Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2C đoạn Km 217+150 - Km 247+100, tỉnh Tuyên Quang; thực hiện 04 Thủy điện Hùng Lợi 3, Suối Ba 2, Thác Giốm, Khuân Cọ. Các dự án được đầu tư thực hiện góp phần tăng cường năng lực và chất lượng hệ thống giao thông chung của các huyện Chiêm Hóa, Na Hang và Lâm Bình nói riêng và của tỉnh Tuyên Quang nói chung; sản xuất điện năng cung cấp cho ngành điện; phục vụ nhu cầu điện sinh hoạt, điện sản xuất cho huyện Yên Sơn, Chiêm Hoá… và tỉnh Tuyên Quang; là nguồn dự phòng cho hệ thống điện của tỉnh; đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của vùng dự án, tạo điều kiện mở mang kinh tế, nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa; góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Toàn cảnh kỳ họp. Ảnh: Tâm Phạm.

Đại diện lãnh đạo sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sở Công thương đã làm rõ thêm thông tin về tác động của các dự án đối với người dân trong khu vực; diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng nằm trong trong quy hoạch rừng sản xuất tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 – 2020; các dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công thương phê duyệt.

Các đại biểu bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao đối với dự thảo nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2023. Dự thảo nghị quyết xác định 20 chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được, xác định 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2023.

Thay mặt Sở Kế hoạch và Đầu tư, đại biểu Vân Đình Thảo đã làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến tốc độ tăng trưởng. Đồng chí cho biết, các ngành xác định khi đưa vào sử dụng các công trình giao thông trọng điểm, khởi công các dự án đô thị sẽ là điều kiện thuận lợi để hoàn thành được mục tiêu Tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 9%.


Giám đốc Sở Tài chính Hà Trung Kiên.

Đại biểu Hà Trung Kiên, Tổ đại biểu huyện Chiêm Hóa bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với dự thảo nghị quyết, đồng chí cũng thông tin thêm về thực hiện trách nhiệm của ngành trong tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp về thu ngân sách để quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước trên 3.200 tỷ đồng năm 2023. Đồng chí đề nghị các huyện, thành phố cần bám sát, quản lý chặt chẽ công tác thu, chi ngân sách ngay từ đầu năm để đảm bảo hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng cho nhân dân. Các nội dung vướng mắc cần phải được tháo gỡ, giải quyết kịp thời.

Thảo luận về dự thảo nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương quan tâm đến chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế, đồng chí đề nghị các cơ quan chuyên môn khi xây dựng dự thảo nghị quyết cần có sự so sánh với tốc độ tăng trưởng với các tỉnh lân cận. Đối với chỉ tiêu chuyển đổi số, cơ quan chuyên môn cần có sự quyết tâm cao để đạt mục tiêu nâng thứ hạng của tỉnh trên bảng xếp hạng chỉ số Chuyển đổi số, phấn đấu xếp thứ 35 của cả nước như mục tiêu đề ra năm 2023.

Dưới sự điều hành của Chủ tọa kỳ họp, các phiên thảo luận thông qua dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh diễn ra nghiêm túc, chất lượng, dân chủ. Các vị đại biểu HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, xem xét thận trọng, kỹ lưỡng các nội dung, thảo luận nhiều ý kiến mang tính phản biện cao. Nội dung phát biểu của các cơ quan chuyên môn đã trả lời, phân tích, làm rõ hơn các căn cứ pháp lý ban hành nghị quyết, điều kiện bảo đảm thực hiện nghị quyết; đồng thời tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu HĐND tỉnh để tiếp tục tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết. Với sự đồng thuận, thống nhất cao, các đại biểu HĐND tỉnh đã thông qua 28 dự thảo nghị quyết trình kỳ họp.

Phòng Dân nguyện - Thông tin và Tuyên truyền
Ảnh: Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục