Hội đồng nhân dân tỉnh thảo luận nhiều nội dung quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh tại kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh khóa XIX

Sáng ngày 09/12/2022, theo nội dung, chương trình nhân dân (HĐND) tỉnh kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh Tuyên Quang khoá XIX thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2023.
Video không hợp lệ

Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì điều hành phiên thảo luận; chủ toạ kỳ họp còn có các đồng chí: Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.


Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự Kỳ họp.

Dự phiên thảo luận có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND; lãnh đạo UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh; đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XV, đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX; lãnh đạo các Ban đảng Tỉnh ủy; Văn phòng Tỉnh ủy; Văn phòng HĐND tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh; Thường trực HĐND, UBND các huyện, thành phố; Thường trực HĐND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.


Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND điều hành phiên thảo luận tại Kỳ họp.

Phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp qua Đài Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang online, Fanpage Báo Tuyên Quang, Trang thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm, đã có 35 đại biểu đăng ký thảo luận; 19 đại biểu phát biểu thảo luận trực tiếp tại hội trường; 03 đại biểu lãnh đạo sở, ngành và 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương phát biểu ý kiến. Các ý kiến thảo luận thể hiện sự đồng tình với báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh đánh giá cao kết quả đạt được trong năm 2022 đồng thời phân tích hạn chế và đề xuất biện pháp khắc phục hạn chế, khó khăn trên từng lĩnh vực.


Đại biểu Nguyễn Văn Dưng, Tổ đại biểu HĐND huyện Hàm Yên phát biểu ý kiến.

Phát biểu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh năm 2022, đại biểu Nguyễn Văn Dưng, Tổ đại biểu Hàm Yên phát biểu, đánh giá kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh. Đại biểu cũng nêu một số vẫn đề cần quan tâm như tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ còn xảy ra ở nhiều nơi; công tác quản lý quy hoạch các khu dân cư phát triển đô thị còn nhiều bất cập, việc sử dụng đất ở các khu đô thị còn hạn chế, giá đất ở hiện nay còn khá cao so với mức sống của người dân hiện nay.

Về lĩnh vực kinh tế, ngân sách, đầu tư xây dựng, đại biểu Phan Thị Mỹ Bình, Tổ đại biểu thành phố Tuyên Quang đánh giá việc thực hiện các công trình, dự án, việc thu hút nguồn vốn đầu tư, công tác quy hoạch, quản lý, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị và công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố Tuyên Quang còn có khó khăn, hạn chế. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Chang, Tổ đại biểu huyện Na Hang - Lâm Bình nhấn mạnh: Tỷ lệ giải ngân vốn so với kế hoạch năm 2022 chưa đạt kế hoạch được giao; về chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2023 dự kiến giao trên 3.200 tỷ đồng, tăng 28,6% so với ước thực hiện năm 2022, do vậy, các ngành cần đề xuất các nhiệm vụ, tăng cường các giải pháp trọng tâm để thực hiện hoàn thành, hoàn thành vượt mức kế hoạch giao. Về mua sắm tài sản công, đại biểu Phạm Kiều Trang, Tổ đại biểu huyện Chiêm Hoá đề nghị tỉnh xem xét thực hiện phân cấp cho cấp huyện, cấp xã và theo lĩnh vực các ngành quản lý để thực hiện kịp thời, hiệu quả.


Đại biểu Sầm Văn Dinh, Tổ đại biệu HĐND huyện Hàm Yên phát biểu tại kỳ họp.

Về lĩnh vực nông, lâm nghiệp, các đại biểu quan tâm đến việc thực hiện Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND ngày 26/7/2021 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 còn có một số hạn chế như: Kết quả thực hiện một số chính sách theo nghị quyết còn chưa hiệu quả, công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện một số chính sách, nhất là hướng dẫn, rà soát, thẩm định hồ sơ cho các đối tượng đăng ký còn chậm dẫn đến số lượng hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ còn ít so với số  đã đăng ký và được phê duyệt. Phát biểu về việc trồng rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp, đại biểu Sầm Văn Dinh, tổ đại biểu Hàm Yên bày tỏ đồng tình cao với chủ trương “Mở rộng diện tích rừng gỗ lớn; duy trì, tổ chức cấp mới chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC. Xây dựng đề án xây dựng Tuyên Quang trở thành khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ” và đề nghị trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung đẩy nhanh thực hiện việc cấp chứng chỉ FSC; nghiên cứu, bổ sung giải pháp về quy hoạch, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ, sản xuất viên nén năng lượng, điểm thu mua gỗ…nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao giá trị và thu nhập cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh.


Đại biếu Hứa Thị Hà, Tổ đại biểu HĐND huyện Sơn Dương phát biểu ý kiến thảo luận.

Về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, các đại biểu Nguyễn Hồng Trang, Phạm Ninh Thái, tổ đại biểu Yên Sơn, đại biểu Hứa Thị Hà, tổ đại biểu Sơn Dương phân tích những vướng mắc, bất cập, đề xuất giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc về công tác quản lý và sử dụng đất công ích; thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc sáp nhập hợp nhất các Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại các huyện. Đề nghị bố trí kinh phí thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xem xét ban hành các văn bản hướng dẫn.  

Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, đại biểu Lý Thu Hương, tổ đại biểu huyện Yên Sơn phản ánh hiện trạng các trường phổ thông dân tộc nội trú liên cấp, phổ thông dân tộc bán trú sau chuyển đổi và đề nghị tỉnh cần cân đối, bố trí ngân sách thực hiện việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, trang thiết bị đồ dùng thiết yếu phục vụ trường nội trú, bán trú, tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các trường trong thực hiện nhiệm vụ dạy học và quản lý, chăm sóc học sinh nội trú, bán trú. Đại biểu Ma Thị Thu Loan, tổ đại biểu Sơn Dương quan tâm đến việc thực hiện một số khoản thu thoả thuận trong trường học giữa nhà trường và phụ huynh còn chưa phù hợp, cần được hướng dẫn, kiểm tra trong thời gian tới. Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền, tổ đại biểu Hàm Yên quan tâm phát biểu về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trong thời gian vừa qua tại một số nơi chưa được chú trọng, nhất là thành phố Tuyên Quang; công tác kiểm soát việc phân phối, bán lẻ thuốc, niêm yết giá thuốc trên thị trường cần được cơ quan quản lý nhà nước quan tâm hơn.


Đồng chí Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời ý kiến thỏa luận của đại biểu HĐND tỉnh.

Thảo luận về vấn đề lao động, việc làm,bảo hiểm y tế của người lao động được đại biểu được các đại biểu Vũ Thanh Tùng, Lý Thu Hương tổ đại biểu Yên Sơn, đại biểu Nguyễn Vũ Linh tổ đại biểu Hàm Yên đề xuất một số giải pháp trong công tác thu hút và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh gắn liền với công tác quản lý người lao động tại nơi người lao động làm việc; việc tham gia bảo hiểm xã hội người lao động và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Một trong những nội dung thảo luận được quan tâm đó là công tác chuyển đổi số. Đại biểu Tăng Thị Dương, tổ đại biểu Sơn Dương bày tỏ sự trăn trở trong việc cải thiện thứ bậc chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian qua, đây là chỉ tiêu duy nhất trong kết quả năm 2022 không đạt theo kế hoạch. Đại biểu đề xuất một số giải pháp cần quan tâm như sau: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chuyển đổi số; tăng cường công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách thực hiện chuyển đổi số tại mỗi cơ quan, đơn vị, nhất là cấp xã và tại cơ sở thông qua hoạt động tổ chuyển đổi số cộng đồng. Sở Thông tin và truyền thông cần chủ động hơn nữa, quyết liệt hơn trong tham mưu thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh, xác định từng nhiệm vụ cần phải thực hiện phù hợp với điều kiện của tỉnh, bảo đảm hiệu quả về nguồn lực đầu, tránh dàn trải, lãng phí hướng đến xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.

Về lĩnh vực tư pháp, nội vụ, quốc phòng an ninh, đai biểu Vũ Quang Thắng, tổ đại biểu Yên Sơn, đại biểu Hà Đình Khiêm tổ đại biểu Sơn Dương, đại biểu Chẩu Văn Huấn, tổ đại biểu Na Hang  Lâm Bình phát biểu đánh giá về kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải pháp thực hiện tốt hơn về: Công tác quản lý biên chế; việc thăng hạng, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với viên chức giáo viên, công tác cải cách hành chính; việc thực hiện Quyết định số 216/QĐ-BNV ngày 13/3/2014 của Bộ Nội vụ về phân bổ số lượng trí thức trẻ tham gia Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020; một số nội dung trong công tác bảo đảm quốc phòng an ninh năm 2022.

Về việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, đại biểu Quan Văn Duyên, tổ đại biểu Chiêm Hoá đề nghị tỉnh sớm phân bổ nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm 2022. Đại biểu Đàm Thanh Hương, tổ đại biểu Na Hang - Lâm Bình phát biểu về khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.


Đồng chí Vân Đình Thảo, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời ý kiến thảo luận của đại biểu.

Dưới sự điều hành của chủ toạ kỳ họp, đại diện lãnh đạo các sở: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh phát biểu trao đổi, làm rõ một số nội dung các đại biểu HĐND tỉnh đã quan tâm thảo luận về công tác chuyển đổi số; đưa người lao động đi làm việc nước ngoài; việc thực hiện các nghị quyết về cơ chế, chính sách của HĐND tỉnh; một số giải pháp thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2023.


Toàn cảnh phiên thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Ảnh: Tâm Phạm.

Kết luận phiên thảo luận, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao việc nghiên cứu tài liệu, nắm chắc tình hình thực tế tại cơ sở để phát biểu các nội dung thảo luận tại kỳ họp. Các ý kiến thảo luận đã làm rõ thêm những vấn đề phát sinh, vướng mắc tại cơ sở để minh chứng cho những nhận định, đánh giá một cách toàn diện và đồng tình cao với kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2023. Đồng thời, HĐND tỉnh đánh giá cao sự chỉ đạo, tập trung, quyết liệt, điều hành linh hoạt của UBND tỉnh; sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022. Các ý kiến thảo luận thẳng thắn chỉ ra khó khăn, vướng mắc, tồn tại hạn chế và đề xuất giải pháp về: Vấn đề quản lý hành lang đường bộ, quản lý đất công ích, thủ tục hành chính về đất đai, bảo đảm kinh phí cho vệ sinh môi trường tại cơ sở; việc thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ theo nghị quyết của HĐND tỉnh; công tác chuyển đổi số; vấn đề về lao động, việc làm; công tác quản lý đô thị, đất đai, khoáng sản và việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Để tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc tại cơ sở, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo một số nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ tại kỳ họp, khẩn trương giao kế hoạch, dự toán ngân sách năm 2023 bao gồm cả các chương trình mục tiêu quốc gia, phân công, phân cấp, giao nhiệm vụ cụ thể để các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện ngay từ những ngày đầu năm mới, đảm bảo theo đúng chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ trong điều hành ngân sách năm 2023 thực hiện phân bổ chi tiết cho từng lĩnh vực chi, dự án đảm bảo đồng bộ, không chồng chéo, trùng lặp nội dung chi, giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, sớm phân khai chi tiết giữa các dự án thành phần trong từng chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ hai, chỉ đạo các ngành chức năng chủ động rà soát những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quản lý điều hành thuộc lĩnh vực của ngành quản lý đề giải quyết, đề xuất biện pháp giải quyết những tồn tại, hạn chế, giải quyết những điểm nghẽn trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong lĩnh vực đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Công tác tham mưu cần chủ động, trách nhiệm, có giải pháp tháo gỡ ngay từ ban đầu những vướng mắc, khó khăn từ cơ sở; không để xảy ra những vướng mắc nhỏ tích tụ thành vướng mắc lớn và có lộ trình thực hiện đối với từng nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra.

Thứ ba, đề nghị UBND tỉnh quan chỉ đạo thực hiện công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đo đạc, lập hồ sơ địa chính và cơ sở quản lý dữ liệu về đất đai trên địa bàn tỉnh, trước mắt thực hiện lập cơ sở dữ liệu đất đai tại các xã, phường, thị trấn đã được đo đạc, thực hiện việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng đất…

Thứ tư, đề nghị UBND tỉnh quan tâm đến công tác phân cấp trong quản lý; bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển đô thị; nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh.

Thứ năm, tập trung công tác tuyển dụng giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy và học, có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất các trường học, đáp ứng yêu cầu chương trình đổi mới giáo dục phổ thông năm 2018, đặc biệt là cơ sở vật chất các trường nội trú, bán trú; quan tâm xem xét vấn đề lạm thu tại các trường học trên địa bàn tỉnh.

Thứ sáu, quan tâm công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, các cấp, ngành cần trách nhiệm, sát thực, cụ thể hơn trong tham mưu, thực hiện nhiệm vụ về chuyển đổi số.

Thứ bảy, chỉ đạo sở, ngành chuyên môn trên cơ sở báo cáo của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định để xem xét, đánh giá về những tồn tại, hạn chế và có giải pháp giải quyết kịp thời.

Thuỳ Linh - Hoàng Loan
Ảnh: Thanh Phúc
Video: tuyenquangtv.vn

Tin cùng chuyên mục