Đại biểu Ma Thị Thúy góp ý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Tiếp tục các nội dung chương trình kỳ họp, chiều 12 - 6, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án TAND tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao; thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đại biểu Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã phát biểu góp ý vào một số nội dung của dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi).

Đại biểu Ma Thị Thúy phát biểu tại kỳ họp (ảnh CTV)

Đối với vấn đề người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, đại biểu đề nghị Quốc hội chọn phương án sửa đổi người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không vì lý do gì mà chỉ cần thời hạn báo trước. Đại biểu lý giải, chọn phương án này giúp bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động. 

Về Điều 36, Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, đại biểu cho rằng quy định như dự thảo là chưa rõ rãng, khó thực hiện, dễ bị áp dụng không thống nhất. Đại biểu đề nghị sửa lại theo hướng “người lao động không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên, được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của doanh nghiệp”. Đồng thời đề nghị Quốc hội bổ sung thêm một điểm nữa quy định về việc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với doanh nghiệp của người sử dụng lao động lâm vào tình trạng phá sản.

Đối với quy định bổ sung 1 ngày nghỉ lễ là ngày thương binh, liệt sỹ (27 -7), đại biểu bày tỏ không đồng ý với quy định này. Theo đại biểu vào ngày này hàng năm, các cấp ủy đảng, chính quyền các đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương đều tổ chức các hoạt động thiết thực để tri ân các Anh hùng, liệt sỹ; thăm hỏi, chăm sóc thương bình, gia đình liệt sỹ, những người có công với cách mạng trên cả nước... Thực tế là chia sẻ những nỗi đau, mất mát với thương binh, gia đình liệt sỹ, các cấp, các ngành và với ý nghĩa như vậy thì người lao động cần làm nhiều việc thiết thực có ý nghĩa hơn để tri ân, báo đáp một phần nhỏ bé công ơn của họ, do vậy không nên lựa chọn ngày này là ngày nghỉ lễ.

Đối với Điều 170, Tuổi nghỉ hưu, đại biểu cơ bản nhất trí với chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng bày tỏ băn khoăn và  đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ hơn trong việc tăng tuổi nghỉ hưu. Lý giải điều này, đại biểu cho rằng trong giai đoạn hiện nay, nước ta đang thực hiện tinh giản biên chế quyết liệt, vấn đề về giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động đang rất khó khăn. Theo thống kê mỗi năm, cả nước vẫn có tới hơn 1 triệu lao động thất nghiệp, để lại hậu quả cho xã hội là rất lớn. Đại biểu đề nghị Chính phủ sẽ có danh mục, ngành nghề, nhóm ngành, lĩnh vực nào sẽ nghỉ hưu sớm và đúng tuổi, ví dụ như đối tượng làm công việc nặng nhọc, người hoạt động nghệ thuật, giáo viên mầm non...hoặc nhóm đối tượng là viên chức. Đại biểu đề nghị Quốc hội có thể cân nhắc có thể xin ý kiến nhân dân về nội dung Điều 170.

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục