Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia tích cực vào các nội dung chương trình kỳ họp

Sau 20 ngày làm việc chính thức, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra. Đây là một kỳ họp ngắn nhưng nhiều vấn đề quan trọng đã được Quốc hội đưa ra thảo luận và quyết định. Góp chung vào thành công đó có sự hoạt động tích cực, hiệu quả và trách nhiệm cao của Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang.

Tâm huyết, trách nhiệm cao

Bà Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh cho biết: Mặc dù quỹ thời gian hạn hẹp và khối lượng công việc nhiều nhưng đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động tích cực tham gia vào nhiều nội dung kỳ họp tại các phiên thảo luận hội trường và thảo luận tổ. Tại kỳ họp này, với sự tín nhiệm cao, đại biểu Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã được Quốc hội phân công làm tổ trưởng điều hành các phiên thảo luận tổ tại tổ 9 cùng với các đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai và Bình Định.

Điều hành tại các phiên thảo luận tổ, cho ý kiến vào các Dự án luật như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Giáo dục sửa đổi, Bộ luật Lao động… với vai trò là tổ trưởng, đại biểu Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động đề xuất các nội dung trọng tâm, trọng điểm để các đại biểu tham gia góp ý hoàn thiện các dự án luật. Tại một số dự án Luật và các nội dung khác, đại biểu Chẩu Văn Lâm đã trực tiếp tham gia góp ý. Như tại phiên thảo luận về sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, trước vấn đề sử dụng nguồn vốn dự phòng cho thanh toán nợ đền bù dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được nhiều đại biểu quan tâm, với vai trò là thành viên của Ủy ban Kinh tế, đại biểu Chẩu Văn Lâm chia sẻ thêm vấn đề này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, kết luận rõ ràng. Theo đó, Quốc hội thống nhất về nguyên tắc danh mục sử dụng nguồn vốn 10.000 tỷ đồng như Tờ trình của Chính phủ, trừ dự án thanh toán nợ đền bù, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Chính phủ rà soát danh mục, thủ tục đầu tư, mức vốn bố trí cụ thể cho từng dự án và xây dựng Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Liên quan đến quy định cấp hộ chiếu ngoại giao công vụ, đại biểu Chẩu Văn Lâm đề nghị nên quy định theo phụ cấp chức vụ. Đây được xem là phương án hợp lý nhất tránh việc một người có nhiều loại hộ chiếu. Từ đó hạn chế được việc dùng tùy tiện, nâng cao công tác quản lý các loại hộ chiếu này. 


Đại biểu Ma Thị Thúy tham gia phát biểu thảo luận tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Các phiên thảo luận tổ cũng ghi nhận sự tham gia góp ý tích cực của đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh, đại biểu Âu Thị Mai, đại biểu Hứa Thị Hà với nhiều nội dung liên quan đến tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2018 và nửa đầu năm 2019, Dự án Bộ Luật Lao động sửa đổi, Dự án Luật Giáo dục sửa đổi... Các ý kiến của các đại biểu đều là những vấn đề thực tế tại địa phương và thông qua các lần giám sát, tiếp xúc cử tri được đại biểu ghi nhận như: Tình trạng thiếu giáo viên, thiếu cán bộ y tế cơ sở tại các địa phương của tỉnh, việc đầu tư cho các chương trình chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh còn dàn trải, chồng chéo dẫn tới một số chính sách chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Các đại biểu đề nghị các Bộ, ngành cần tích cực quan tâm, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc khi triển khai các chính sách về miền núi dân tộc trên cả nước nói chung và tại tỉnh Tuyên Quang nói riêng. Đồng thời tăng nguồn lực đầu tư hơn nữa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa để đồng bào vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.

Các phiên thảo luận tại hội trường, chất vấn, đại biểu Ma Thị Thúy và đại biểu Âu Thị Mai đã trực tiếp tham gia thảo luận với những nội dung là các vấn đề trực tiếp đang diễn ra tại tỉnh như: Chế độ chính sách cho giáo viên vùng sâu, vùng xa, chế độ chính sách cho con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong Dự án Luật Giáo dục sửa đổi. Về chính sách bảo hiểm y tế và việc phân bổ, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng kinh phí cho các cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn rất hạn chế. Nguyên nhân là do không đảm bảo tiêu chí về cơ sở vật chất và tiêu chí về nhân viên y tế học đường; việc thực hiện phân bổ và sử dụng quỹ BHYT cũng còn nhiều nội dung vướng mắc... Vì vậy, Chính phủ cần xem xét, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Niềm tin của cử tri

Trong 20 ngày qua, ngôi nhà sàn của ông Ma Văn Sự, Bí thư Chi bộ Nà Khán, xã Hà Lang (Chiêm Hóa) đã trở thành “điểm hẹn” của các đảng viên và nhân dân trong thôn đến theo dõi các hoạt động của kỳ họp Quốc hội. Ông Sự cho rằng, kỳ họp tiếp tục có nhiều đổi mới, thông tin về kỳ họp cũng được cập nhật nhanh hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh các phiên họp được truyền hình trực tiếp, các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh đã được các cơ quan báo chí của tỉnh cập nhập thường xuyên không những giúp đảng viên, nhân dân được nắm bắt các nội dung của kỳ họp, mà còn vui mừng, phấn khởi  khi thấy các ĐBQH tỉnh nhà tham gia đóng góp các ý kiến sôi nổi tại nghị trường. Các đại biểu Quốc hội của tỉnh đã truyền tải được nhiều tâm tư nguyện vọng của người dân Tuyên Quang đến với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành. 

Theo ông Sự, ông và bà con trong thôn rất tâm đắc với các ý kiến của Đoàn ĐBQH tỉnh trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề cập đến một vướng mắc trong thực hiện các chính sách giảm nghèo như hệ thống chính sách vẫn chưa đồng bộ. Sự tham gia của nhiều bộ, ngành trong quản lý dẫn tới chồng chéo, khó khăn trong tổng hợp các nguồn lực đầu tư cho các chương trình. Nhiều chính sách định mức thấp, chưa có chính sách đặc thù, tỷ lệ tái nghèo vẫn cao, thoát nghèo nhưng không bền vững. Đó là những vấn đề thực tế của địa phương trong thời gian qua được ĐBQH chuyển tải đến nghị trường.

Theo dõi sát các nội dung kỳ họp, ông Lê Mạnh Tùng, xã Lưỡng Vượng (thành phố Tuyên Quang) nhật xét: Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia rất tích cực vào các nội dung tại kỳ họp. Theo ông Tùng, việc Đoàn ĐBQH tỉnh cho ý kiến đề nghị giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực hiện các chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế là rất đúng với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Nhất là việc đề nghị tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế từ 30% lên 50% cho đối tượng  là học sinh, sinh viên, người thuộc hộ gia đình cận nghèo là rất phù hợp với điều kiện thực tiễn. 

Ngay sau khi kết thúc kỳ họp, đoàn ĐBQH tỉnh đã có kế hoạch tiếp xúc cử tri để thông báo kết quả cũng như thành công của kỳ họp tới cử tri và nhân dân trong tỉnh. Cùng với đó các Luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này sẽ được đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan tích cực tuyên truyền phổ biến để Luật thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả cao. 

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục