Theo đó, đã xem xét, thông qua 7 luật, 10 nghị quyết, cho ý kiến về 9 dự án luật; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề liên quan đến các lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng, an ninh trật tự, an toàn xã hội, văn hóa, thể thao và du lịch; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác; phê chuẩn nhân sự.
Các luật được Quốc hội thông qua
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Được ban hành nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao thể chất, tinh thần, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân. Luật gồm 7 chương, 36 điều, quy định các biện pháp về giảm mức tiêu thụ, quản lý việc cung cấp rượu, bia và giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó, quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Quy định này mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông, tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và đại biểu Quốc hội, thể hiện quyết tâm của Quốc hội, của Chính phủ trong việc kiềm chế các vụ tai nạn giao thông. Quy định cụ thể việc quản lý quảng cáo rượu, bia và tài trợ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia; quy định đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đối với rượu, bia và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Nhà nước ưu tiên các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông; giảm tính sẵn có, dễ tiếp cận của rượu, bia; tăng cường quản lý sản xuất rượu thủ công; thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với trẻ em, thanh niên.
Luật Giáo dục: Được sửa đổi toàn diện nhằm tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực, tăng tính dân chủ, tự chủ của các cơ sở giáo dục đào tạo. Luật gồm 9 chương, 117 điều, trong đó, quy định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa; việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa; chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; cơ sở giáo dục; các quy định liên quan đến nhà giáo, người học; đầu tư, tài chính trong giáo dục; quản trị cơ sở giáo dục; quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo…
Luật Thi hành án hình sự: Được sửa đổi toàn diện nhằm cụ thể hóa việc thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các đạo luật khác có liên quan, khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật hiện hành. Luật gồm 16 chương, 207 điều, trong đó, mở rộng phạm vi điều chỉnh; bổ sung quy định về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại; tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện; sửa đổi, bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân, tổ chức lao động cho phạm nhân; tha tù trước thời hạn có điều kiện, án treo, thủ tục thi hành các hình phạt và biện pháp tư pháp; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án hình sự.
Luật Đầu tư công: Được sửa đổi toàn diện nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả các hoạt động và nguồn vốn đầu tư công, khắc phục thêm một bước tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, đẩy mạnh phân cấp trong phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công. Luật gồm 6 chương, 101 điều với một số điểm mới như: Quy định thống nhất quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án không phân biệt nguồn vốn trừ chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; phân cấp cho Hội đồng nhân dân được quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A, B, C sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên; thông báo tổng mức vốn đầu tư công dự kiến của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương vào năm thứ tư của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước...
Luật Quản lý thuế: Được sửa đổi toàn diện nhằm tạo cơ sở cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận những chuẩn mực, thông lệ quốc tế, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Luật gồm 17 chương, 152 điều với một số điểm mới như: áp dụng nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế; quy định Kiểm toán nhà nước chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện việc xác định chính xác nghĩa vụ thuế; quy định về khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt...
Luật Kiến trúc: Được ban hành nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc; góp phần hình thành đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc. Luật gồm 5 chương, 41 điều, quy định về: quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc; chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc và định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam; bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc và quy chế quản lý kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ: Được ban hành nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu thực hiện các cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Trong đó, đã sửa đổi, bổ sung quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, sáng chế, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ,...
Quốc hội thông qua 10 Nghị quyết: Nghị quyết gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; Bổ sung một điều vào Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020; Thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; Phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến
Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Quốc hội tập trung thảo luận về: Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với khu vực không có quan hệ lao động; hoàn thiện chế độ pháp lý về hợp đồng lao động; các quy định về tiền lương, thời giờ làm việc, mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, các chính sách đối với lao động nữ; quy định về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở nằm ngoài hệ thống tổ chức Công đoàn; quy định về đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động trong bối cảnh có thêm tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở...
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được Quốc hội tập trung thảo luận về: Vấn đề tinh gọn bộ máy cơ quan hành chính nhà nước; quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, số lượng Phó Trưởng Ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND, UBND; việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa Trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương; bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương; việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính không đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số…
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã được Quốc hội tập trung thảo luận về: Phạm vi sửa đổi, bổ sung; đối tượng là công chức; chính sách đối với người có tài năng; phân loại đánh giá cán bộ, công chức; ngạch công chức; tuyển dụng công chức; liên thông đội ngũ cán bộ, công chức; xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, kể cả đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu; chế độ hợp đồng đối với viên chức tuyển dụng mới...
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước đã được Quốc hội tập trung thảo luận về: Việc bổ sung quy định để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; nhiệm vụ giám định tư pháp; thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính; vấn đề chồng chéo trong hoạt động giữa kiểm toán, thanh tra, kiểm tra; tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành...
Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung: Vị trí, quyền hạn, nhiệm vụ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; mô hình tổ chức của Sở Giao dịch chứng khoán; điều kiện chào bán chứng khoán; quản trị công ty đại chúng; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam; thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán…
Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) đã được Quốc hội tập trung thảo luận về: Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của dân quân tự vệ; tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp; Ban chỉ huy quân sự cấp xã; chế độ, chính sách và nhiệm vụ chi cho hoạt động của dân quân tự vệ tại địa phương, cơ sở...
Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên quy định về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Quốc hội đã tập trung thảo luận về: Đăng ký, quản lý, sắp xếp, huy động phương tiện kỹ thuật; các trường hợp huy động, thẩm quyền huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách và chế độ trợ cấp đối với quân nhân và gia đình quân nhân dự bị…
Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Quốc hội đã tập trung thảo luận về: Các hành vi bị nghiêm cấm; quyền và nghĩa vụ của công dân; cấp hộ chiếu, giấy thông hành; điều kiện xuất cảnh, nhập cảnh; các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh…
Dự án Luật Thư viện quy định về hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Quốc hội đã tập trung thảo luận về: Chính sách phát triển thư viện; mô hình hoạt động, phân loại thư viện; thẩm quyền thành lập thư viện; thư viện số và hoạt động liên thông giữa các loại hình thư viện…
Quốc hội giao Chính phủ tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động, các chuyên gia, nhà khoa học để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp sau./.