Tham dự cùng Đoàn giám sát có đại diện lãnh đạo các Ban: Dân tộc, Kinh tế - Ngân sách, Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; đại diện lãnh đạo và chuyên viên Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.
Dự và làm việc với Đoàn giám sát có đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc cùng với đại diện lãnh đạo, chuyên viên các phòng chuyên môn thuộc Sở Thông tin và Truyền thông.
Các đại biểu dự buổi làm việc.
Qua các báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông cho thấy với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan chủ trì tham mưu cho tỉnh quản lý Nhà nước về lĩnh vực thông tin và truyền thông, Sở đã tích cực tham mưu cho với tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên địa bàn, trọng tâm vào tổ chức triển khai, thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 48-NQ/TU ngày 15/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hướng tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở đã triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông đại chúng và xuất bản; vai trò của Báo, Đài trong việc định hướng thông tin, dư luận xã hội được tăng cường, đã kịp thời ngăn chặn, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên các trang mạng xã hội, internet; triển khai các biện pháp bảo vệ người dân, bảo đảm an toàn cho trẻ em trên không gian mạng. Lĩnh vực bưu chính, chuyển phát, viễn thông, internet tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng phục vụ; mạng viễn thông và internet được mở rộng về quy mô với thông lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao, vùng phục vụ phát triển rộng khắp đến các xã, phường, thị trấn; hiện nay, 137/138 xã, phường, thị trấn có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ, đạt tỷ lệ 99,3%; 100% điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ có kết nối Internet. Công tác chỉ đạo điều hành về lĩnh vực công nghệ thông tin được quan tâm triển khai thực hiện; sở đã hối hợp với Tỉnh đoàn Tuyên Quang, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn triển khai sử dụng ứng dụng Chính quyền số tỉnh Tuyên Quang cho 1.275 đại biểu, nhằm thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số. Cổng dịch vụ công của tỉnh được triển khai đồng bộ, thống nhất, cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (mức độ 3, 4), được kết nối, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến qua mạng và số lượng hồ sơ tiếp nhận, cập nhật trên hệ thống ngày càng tăng. Phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc, ý kiến chỉ đạo điều hành đã được đưa vào sử dụng rộng rãi trong toàn tỉnh và hiệu quả mang lại ngày càng cao.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thành viên Đoàn giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập trong việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ của Sở Thông tin và Truyền thông; một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và một số nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 48-NQ/TU ngày 15/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 17/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 12/4/2022 về thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khoá XVII) về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025; Kế hoạch số 226/KH-UBND ngày 09/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2023 còn chậm tiến độ, trong đó tập trung vào các vấn đề như: Tỷ lệ dân số được phủ sóng và nghe đài phát thanh, tỷ lệ dân số được phủ sóng truyền hình và được xem truyền hình chưa đạt kế hoạch giao; việc nâng cấp hệ thống truyền thanh không dây FM sang hệ thống truyền thanh thông minh chậm. Tỷ lệ các dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ chưa nhiều (chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như: Xúc tiến thương mại, Đất đai, Bảo trợ xã hội, Người có công…), số lượng hồ sơ do người dân, doanh nghiệp tự thực hiện dịch vụ công toàn trình còn thấp so với kỳ vọng; chưa triển khai ứng dụng chữ ký số khi triển khai dịch vụ công đặc biệt là chữ ký trên trên điện thoại số. Hạ tầng công nghệ thông tin mới chỉ đáp ứng việc phục vụ duy trì, vận hành Chính phủ điện tử; việc triển khai các ứng dụng cho thương mại điện tử chưa được người dân sử dụng và đánh giá cao. Việc thực hiện số hóa hồ sơ, xây dựng kho dữ liệu dùng chung của tỉnh; tiến độ xây dựng, triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; kiến trúc đô thị thông minh còn chậm. Việc phủ sóng đối với các xã có vùng lõm sóng điện thoại di động còn nhiều khó khăn…
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Hiến Phó Giám đốc và đại diện lãnh đạo một số phòng chuyên môn thuộc Sở Thông tin và Truyền thông đã làm rõ một số vấn đề liên quan đến kết quả, hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như công tác tham mưu, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ của Sở; đồng thời cũng đề xuất các giải pháp để khắc phục khó khăn, vướng mắc; phương hướng để triển khai thực hiện hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2023.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Phạm Thị Minh Xuân phát biểu kết luận.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Phạm Thị Minh Xuân ghi nhận, biểu dương kết quả Sở Thông tin và Truyền thông đạt được thời gian qua; cơ bản thống nhất với các nội dung giải trình, làm rõ của lãnh đạo Sở; đồng thời đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông có giải pháp khắc phục hạn chế; bám sát chỉ đạo của tỉnh, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông kịp thời tham mưu ban hành văn bản, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông trên địa bàn. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 48-NQ/TU và khâu đột phá tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.