Nâng cao hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp đối với việc thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh

Thực hiện chức năng giám sát theo quy định của pháp luật, trong nhiệm kỳ 2016-2021 hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang (HĐND) luôn đảm bảo nguyên tắc công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự theo quy định của pháp luật và không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; có nhiều đổi mới về phương thức thực hiện, lựa chọn “đúng” và “trúng” có trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề nóng, vấn đề khó, liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích của nhân dân để giám sát.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm và đồng chí Phạm Thị Minh Xuân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh thăm mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình anh Hoàng Văn Quyền, thôn Việt Tiến, xã Thái Bình. Ảnh Thành Công

Thông qua hoạt động giám sát đã làm rõ trách nhiệm, chỉ ra nhiều giải pháp quan trọng cho các cấp, các ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm pháp chế, tăng cường tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật tại địa phương.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện đã thực hiện trên 200 cuộc giám sát, trong đó riêng Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh đã thực hiện 21 cuộc giám sát chuyên đề, 57 cuộc giám sát thường xuyên với nhiều lĩnh vực trong phát triển kinh tế - xã hội như: Việc thực hiện điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể di dân tái định cư Dự án thủy điện Tuyên Quang theo Quyết định số 1766/QĐ-TTg ngày 10/10/2011 của Chính phủ; việc thực hiện kiên cố hóa kênh mương, đường nội đồng, đường vào khu sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ nhân dân gắn với khuôn viên, sân thể thao; việc thực hiện các chính sách về hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình 135; việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản, về bảo vệ môi trường...


Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn giám sát việc thi công xây dựng công trình chợ Lăng Can, huyện Lâm Bình (ngày 15-8-2020). Ảnh: TQĐT

Nhiều cuộc giám sát có minh họa bằng hình ảnh đã phản ánh đầy đủ, sinh động, khách quan thực tiễn tại cơ sở, mang tính thuyết phục cao. Đã tổ chức nhiều phiên chất vấn tại các kỳ họp HĐND, giải trình, chất vấn tại các phiên họp của Thường trực HĐND về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội; việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh; việc quản lý và thực hiện quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh; về xây dựng, quản lý, sử dụng các công trình cấp nước sạch nông thôn; việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị của công dân… Trên 90% số kiến nghị sau giám sát, chất vấn, giải trình đã được Ủy ban nhân dân các cấp, nhất là cấp tỉnh tiếp thu, triển khai thực hiện đạt kết quả; có những vụ việc kiến nghị của công dân đã tồn đọng và kéo dài hơn 10 năm, sau khi giải trình được khắc phục, giải quyết ngay. Chất lượng và hiệu quả giám sát của HĐND từng bước được nâng lên và đi vào chiều sâu; đánh giá đúng kết quả thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước, Nghị quyết của HĐND cùng cấp, từ đó kiến nghị bổ sung, sửa đổi, ban hành mới những quy định, những cơ chế, chính sách cụ thể phù hợp với thực tiễn địa phương. Hoạt động giám sát của HĐND đã góp phần thực hiện thắng lợi các  mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương.


Đại biểu xem hình ảnh giám sát chuyên đề tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động giám sát vẫn còn một số bất cập như: Chưa phát huy được vai trò chủ thể giám sát của tổ đại biểu HĐND. Đại biểu HĐND tham gia hoạt động giám sát còn hạn chế. Việc tiếp thu, giải quyết những kết luận sau giám sát của cơ quan chức năng và việc giám sát thực hiện các kiến nghị sau giám sát của các cơ quan của HĐND có lúc chưa thường xuyên, nghiêm túc, quyết liệt.

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát của HĐND các cấp góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020-2025, cần tiếp tục nghiên cứu những giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của HĐND về cơ cấu, chất lượng Thường trực HĐND, lãnh đạo và thành viên các Ban của HĐND; đặc biệt là cơ cấu và chất lượng đại biểu HĐND để thực hiện tốt chức năng giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương của HĐND.

Hai là, Thường trực HĐND và các Ban của HĐND bám sát chủ trương, nghị quyết của cấp ủy, nhất là các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, các đề án, chương trình lớn trong nhiệm kỳ để chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát hàng năm. Nội dung giám sát toàn diện, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tiễn địa phương, chú trọng đến những vấn đề đang được dư luận quan tâm và kiến nghị chính đáng của cử tri. Thực hiện giám sát từ khâu chuẩn bị, ban hành cơ chế, chính sách, xây dựng kế hoạch và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm đến việc bố trí, phân bổ, sử dụng nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính, tài nguyên đất đai phục vụ việc thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội; coi trọng giám sát việc triển khai thực hiện cụ thể các chương trình, dự án để kịp thời kiến nghị những điểm cần bổ sung, điều chỉnh; những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ bảo đảm cho các chương trình, dự án được đạt mục tiêu, hiệu quả đề ra.

Ba là, nâng cao năng lực giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, tổ đại biểu và đại biểu HĐND. Trong đó cần chú ý nâng cao năng lực dự báo tình hình, thu thập, nắm bắt và xử lý thông tin để quyết định đúng các vấn đề cần thiết giám sát; nâng cao trách nhiệm, kỹ năng giám sát, phát huy sự năng động, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn của Đại biểu HĐND. Cung cấp kịp thời thông tin cho đại biểu HĐND, trao đổi về kiến thức pháp luật, về tình hình chấp hành pháp luật, về kinh nghiệm trong hoạt động giám sát.

Bốn là, tiếp tục đổi mới hình thức, phương thức giám sát đảm bảo thực chất, hiệu quả. Phương pháp tiến hành giám sát cần phải linh hoạt, huy động được tối đa năng lực, trách nhiệm của các thành viên Đoàn giám sát. Xây dựng chương trình, kế hoạch, thời gian giám sát cụ thể, tránh gây khó khăn cho đối tượng chịu sự giám sát; đồng thời cần thu thập kỹ thông tin về những vấn đề cần giám sát. Tăng cường giám sát bằng hình ảnh; kết hợp chặt chẽ giữa giám sát thường xuyên với giám sát chuyên đề, giám sát qua giải trình, chất vấn. Nâng cao chất lượng ban hành các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị là đối tượng chịu sự giám sát triển khai thực hiện, là căn cứ để HĐND tiếp tục theo dõi, giám sát. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát và có biện pháp xử lý đối với trường hợp không thực hiện nghiêm túc kết luận giám sát của HĐND.

Năm là, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, nhất là với Đoàn Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong hoạt động giám sát. Cùng với đó, tiếp tục đảm bảo đồng bộ các điều kiện phục vụ hoạt động giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của HĐND; có cơ chế chia sẻ, cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin liên quan đến nội dung, vấn đề, đối tượng giám sát. Tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc cho HĐND theo hướng kỷ cương, trách nhiệm, chuyên nghiệp, hiệu quả./.

Khánh Thị Xuyến
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh

Tin cùng chuyên mục