Kết quả giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh và Nghị định số 116 của Chính phủ

Thực hiện chương trình công tác năm 2022, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát thường xuyên trong tháng 8/2022 tại huyện Lâm Bình, huyện Hàm Yên và giám sát qua báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện Nghị quyết số 10/2016/NQ-HĐND ngày 06/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định khoảng cách và địa bàn làm căn cứ xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày; mức khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo UBND huyện Lâm Bình báo cáo kết quả thực hiện với Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh.

Qua giám sát cho thấy các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị có liên quan từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết. Sở Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học trên địa bàn tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của Nghị quyết số 10/2016/NQ-HĐND, Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ tới phụ huynh và học sinh. Uỷ ban nhân dân, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn tỉnh đã kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn phụ huynh và học sinh thuộc đối tượng được hưởng chính sách chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ.

Kết quả triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ Học sinh thuộc diện thụ hưởng chính sách trong năm học 2021-2022 trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 486 trường học, 7.574 nhóm/lớp với 224.770 học sinh (148.436 là học sinh dân tộc thiểu số, chiếm 66,04%), trong đó: Bậc mầm non có 38.211/57.942 trẻ là học sinh dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 65,9%; cấp Tiểu học có 58.436/85.307 học sinh là dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 68,5%; cấp trung học cơ sở có 35.905/55.467 học sinh là dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 64,7%; cấp trung học phổ thông có 14.568/24.403 học sinh là dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ: 59,7%; giáo dục thường xuyên có 1.316/1.651 học viên là dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 79,7%. Số học sinh thuộc diện được thụ hưởng chính sách trong năm học 2021-2022 trên địa bàn tỉnh là 25.725 lượt /224.770 học sinh (cấp Tiểu học 4.508 lượt/58.436 học sinh là dân tộc thiểu số; cấp trung học cơ sở 31.189 lượt/35.905 học sinh là dân tộc thiểu số; cấp trung học phổ thông 10.028 lượt/14.568 học sinh là dân tộc thiểu số). Số kinh phí hỗ trợ tiền ăn là 66.598.232.000 đồng/24.860 học sinh; hỗ trợ tiền nhà ở 8.850.749.000 đồng/13.211 học sinh; hỗ trợ gạo 1.696.192 kg/25.725 học sinh; số kinh phí hỗ trợ nhân viên hợp đồng phục vụ việc nấu ăn cho học sinh là 3.053.000.000 đồng/143 người (36 trường).


Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát tại xã Hồng Quang.

Qua đó có thể khẳng định chính sách hỗ trợ cho các đối tượng được thụ hưởng theo Nghị quyết số 10/2016/NQ-HĐND và Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã được tỉnh Tuyên Quang triển khai kịp thời, có hiệu quả, tạo điều kiện cho con em các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa được đến trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số, duy trì tỷ lệ chuyên cần, hạn chế đến mức thấp nhất số học sinh bỏ học, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Tuy nhiên, qua giám sát trực tiếp tại một số trường và kết quả làm việc với Uỷ ban nhân dân huyện Lâm Bình và huyện Hàm Yên cho thấy việc triển khai các chính sách hỗ trợ học sinh bán trú còn một số khó khăn, như việc chi trả chế độ, chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số bậc đôi khi còn chậm, chưa kịp thời; mức khoán kinh phí cho nhân viên phục vụ nấu ăn còn thấp; việc hoàn tất hồ sơ của học sinh được hưởng chính sách còn chậm do một số phụ huynh không quan tâm tới việc học tập của con em mình, giáo viên phải trực tiếp giúp hoàn thiện hồ sơ cho học sinh để kịp thời gian cấp kinh phí và hỗ trợ gạo theo quy định; việc cấp gạo cho học sinh trong năm học 2021-2022 còn chậm.

Phát biểu tại các buổi giám sát, đồng chí Hà Quang Giai, Uỷ viên Thường trực, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh ghi nhận kết quả đạt được của Uỷ ban nhân dân huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học trên địa bàn các huyện được giám sát trong năm học 2021-2022. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới Uỷ ban nhân dân huyện Lâm Bình và huyện Hàm Yên cần tiếp tục chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tiếp tục chỉ đạo các Trường học trên địa bàn huyện thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ học sinh bán trú theo Nghị định 116/2016/ND-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ và Nghị quyết số 10/2016/NQ-HĐND ngày 06/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện hỗ trợ đối với các trường có học sinh bán trú đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.

Phan Thị Mỹ Bình

Tin cùng chuyên mục