Hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh đảm bảo tính chuyên sâu và mở rộng

Xuất phát từ những vấn đề liên quan thiết thực đến lợi ích của đông đảo người dân, từ đầu năm đến nay, HĐND tỉnh và các ban HĐND tỉnh đã tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề về những vấn đề nóng mang tính chuyên sâu và giám sát trên diện rộng. Hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND và các ban HĐND tỉnh đã giúp các đối tượng được giám sát nhìn thẳng vào những tồn tại, yếu kém để khắc phục.

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và đại biểu khảo sát tình hình làm nhà văn hóa
theo Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh tại xóm 14, xã Trung Môn (Yên Sơn).

Ngoài các cuộc giám sát về thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2017, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát chuyên đề về thực hiện Luật Viên chức từ năm 2014 đến năm 2016. Để có sự đánh giá toàn diện, làm rõ những tồn tại, vướng mắc, các đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đã giám sát trực tiếp trong thời gian một tháng tại 19 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, 31 đơn vị trực thuộc các sở, ngành; UBND 7 huyện, thành phố và 49 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND các huyện, thành phố.

Tại cuộc giám sát chuyên đề này, đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra nhiều thiếu sót, hạn chế trong thực hiện Luật Viên chức trên địa bàn tỉnh những năm qua như: Việc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp và lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp, việc tuyển dụng viên chức còn chậm; quy trình tuyển dụng viên chức, ký hợp đồng làm việc đối với viên chức mới được tuyển dụng ở một số địa phương, đơn vị chưa đúng quy trình; đánh giá viên chức chưa chặt chẽ, sát với thực tế, nhiều đơn vị sự nghiệp ký hợp đồng lao động vượt số lượng được giao.

Kết quả của cuộc giám sát này là cơ sở quan trọng để tại kỳ họp thứ 4 tới đây, HĐND tỉnh sẽ thảo luận, lấy ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan, đưa ra các giải pháp khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng, tuyển dụng viên chức.

Các Ban HĐND tỉnh đã lựa chọn những vấn đề trọng tâm, được cử tri quan tâm để tổ chức giám sát chuyên đề. Trong đó, Ban Kinh tế - Ngân sách giám sát chuyên đề về quy hoạch thủy lợi, thủy sản ở 7 huyện, thành phố; Ban Văn hóa - Xã hội giám sát về thực hiện Luật An toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; Ban Dân tộc giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật về BHYT đối với đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2015 đến năm 2017. 

Các đoàn giám sát chủ yếu giám sát trực tiếp tại các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan và lắng nghe ý kiến của người dân ở cơ sở chứ không giám sát thông qua các báo cáo. Điển hình như đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội khi giám sát về thực hiện Luật An toàn thực phẩm đã tiến hành giám sát ở các huyện, thành phố, nhiều xã, thị trấn, khu vực đông dân cư, trường học và chợ nông thôn, khu công nghiệp trong tỉnh. Bà Lê Thị Thanh Trà, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh cho biết, thực tế giám sát cho thấy, ở một số nơi, chính quyền cấp cơ sở còn chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nhiều nơi, công tác này giao phó cho Trạm Y tế, chưa có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Ban chỉ đạo VSATTP cấp cơ sở.

Ông Nguyễn Văn Dần, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn (Yên Sơn) cho biết: “Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã chỉ ra và giúp chúng tôi nhìn nhận rõ những hạn chế của mình trong công tác quản lý, thực hiện các quy định của Luật An toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền của cấp xã mà lâu nay chúng tôi chưa thực hiện tốt. Sau khi được giám sát, chúng tôi đã kiện toàn lại ban chỉ đạo, phân công lại nhiệm vụ đối với các thành viên, lập danh sách các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm đi tập huấn kiến thức về VSATTP, rà soát những cá thể kinh doanh thực phẩm lưu động tại khu vực chợ để có kế hoạch tuyên truyền, kiểm tra”.

Cuộc giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật về BHYT đối với đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2015 đến nay của Ban Dân tộc đã được thực hiện trực tiếp trên diện rộng ở tất cả bệnh viện các huyện, thành phố, Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang.

Tại mỗi huyện, đoàn giám sát đã chọn 3 xã để giám sát trực tiếp. Qua giám sát, nhiều tồn tại, vướng mắc trong cấp thẻ BHYT đối với người dân tộc thiểu số đã được chỉ ra, đó là tình trạng cấp thẻ BHYT còn sai, chậm. Công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Bảo hiểm y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh chưa thực sự sâu rộng. Năng lực và trách nhiệm của cán bộ cơ sở còn hạn chế. Kết quả của cuộc giám sát này sẽ là cơ sở để kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền để xảy ra tình trạng cấp thẻ BHYT sai, chậm.

Có thể thấy làm tốt hoạt động giám sát chuyên đề sẽ tạo cơ sở quan trọng để HĐND tỉnh xem xét, ban hành các quyết sách cũng như đưa ra các kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền kịp thời điều chỉnh những vướng mắc, khó khăn phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục