Các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Thành ủy Tuyên Quang; Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Triệu Kim Long, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên họp.
Tham dự phiên giải trình có đồng chí Nguyễn Đình Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Thị Kim Dung, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, một số sở, ngành và các huyện, thành phố.
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại phiên họp. |
Theo giải trình của các ngành liên quan, tính đến ngày 15-4-2017, toàn tỉnh đã cấp được 493.674 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức và cá nhân, hộ gia đình với tổng diện tích 252.495,8 ha. Giải quyết hồ sơ tồn theo Chỉ thị 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được 26.450 giấy; cấp 226.801 giấy/14.760 ha thuộc Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở quản lý đất đai trên địa bàn huyện Sơn Dương, 3 xã của huyện Yên Sơn và 1 xã của huyện Lâm Bình. Đối với việc giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân trên phần diện tích đất do các công ty lâm nghiệp, công ty chè trả lại cho các địa phương quản lý, UBND tỉnh đã thu hồi 24.508 ha, trong đó có 7.346,93 ha không giao được cho hộ gia đình, cá nhân. Sở Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, lập phương án để giao 17.161,07 ha đất cho các hộ gia đình, cá nhân; UBND các huyện, thành phố đã cấp giấy lần đầu 12.164 giấy với 3.473 ha.
Đối với việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH trên địa bàn tỉnh, đến hết quý I năm 2017, toàn tỉnh có 3.188 đơn vị với 49.098 người tham gia BHXH bắt buộc, 2.260 người tham gia BHXH tự nguyện; 2.815 doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị tham gia BHTN với 40.510 người tham gia. Tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị sử dụng lao động của tỉnh không giảm, thậm chí một số đơn vị hành chính sự nghiệp cũng nợ BHXH, BHYT, BHTN và phải chịu tiền lãi nộp chậm. Tổng số tiền nợ BHXH bắt buộc và BHTN là 39.140 triệu đồng.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn một số tồn tại, hạn chế, người dân vẫn chưa cảm thấy thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai. UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc để hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ trong năm 2017, chỉ đạo thực hiện tốt việc giao đất của các nông lâm trường trả lại địa phương cho các hộ gia đình và cá nhân; chỉ đạo xây dựng quy chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai và hoàn thành hồ sơ địa chính và cơ sở quản lý đất đai trên địa bàn huyện Sơn Dương, 3 xã huyện Yên Sơn và 1 xã huyện Lâm Bình. Đồng chí đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cần nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu cho tỉnh về công tác quản lý về tài nguyên môi trường; đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải quyết các hồ sơ còn tồn đọng trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tập trung nhân lực giải quyết dứt điểm các hồ sơ đủ điều kiện cấp giấy. Các huyện, thành phố xác định rõ nguyên nhân tồn tại hạn chế để khắc phục ngay tình trạng chậm giải quyết hồ sơ cấp giấy; phổ biến rộng rãi các quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đối với việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH trên địa bàn tỉnh, đồng chí đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm chức trách của mình về lĩnh vực BHXH, xây dựng chỉ tiêu đối tượng tham gia. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, BHXH tỉnh, LĐLĐ tỉnh, Cục Thuế, UBND các huyện, thành phố cần tích cực chủ động phối hợp giải quyết những vướng mắc, tồn đọng liên quan đến thực hiện chính sách pháp luật về BHXH.