Tham gia đoàn giám sát có đồng chí Lê Thị Thanh Trà, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh; lãnh đạo UBMTTQ tỉnh; lãnh đạo Ban Dân tộc HĐND tỉnh, đại diện một số sở, ngành của tỉnh.
Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang làm việc tại UBND huyện Chiêm Hóa |
Giai đoạn 2012-2018, tổng nguổn vốn đầu tư qua ngân sách để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững của huyện trên 111,7 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện đã triển khai có hiệu quả các chính sách như: Hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở; phát triển sản xuất, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện giảm nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn… góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao mức sống của người dân. Tỷ lệ giảm nghèo hằng năm của huyện đạt và vượt mục tiêu đề ra. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 21,12%.
Tuy nhiên công tác chỉ đạo, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về chương trình có nơi còn hạn chế. Việc xác định nguyên nhân nghèo của các hộ chưa chính xác, dẫn tới đưa ra giải pháp thực hiện thoát nghèo cho các hộ gia đình chưa cụ thể, sát với điều kiện của từng hộ gia đình. Việc kiểm tra, giám sát thực tế sau hỗ trợ cây, con giống khi thực hiện các dự án chưa thường xuyên, các hộ gia đình không tuân thủ đúng kỹ thuật nên việc sản xuất kém hiệu quả; công tác quản lý, sử dụng một số công trình đầu tư hiệu quả chưa cao...
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo huyện đã đề xuất cần tiếp tục duy trì, tăng thêm mức đầu tư cho các hợp phần dự án; đề nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện bộ công cụ, tiêu chí xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều kết hợp với các chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng hộ nghèo đa chiều.
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thúy đề nghị trong thời gian tới, huyện Chiêm Hóa cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn, đảm bảo chính sách thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả cao; tăng cường nghiên cứu, đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về công tác giảm nghèo bền vững; chủ động rà soát, xác định nguyên nhân của từng hộ nghèo, từng thôn, từng xã nghèo để có kế hoạch, giải pháp, mô hình phát triển phù hợp.