Đoàn giám sát đã giám sát tại UBND huyện Lâm Bình và giám sát thực tế tại 10 hộ gia đình ở xã Hồng Quang và Phúc Yên. Qua giám sát cho thấy, cấp ủy, chính quyền huyện đã quan tâm chỉ đạo ban hành các văn bản triển khai thực hiện chính sách pháp luật về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Các chế độ, chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số được triển khai kịp thời, có hiệu quả đúng đối tượng. Tỷ lệ giảm nghèo hằng năm đạt và vượt mục tiêu đề ra (giai đoạn 2012-2015, bình quân giảm trên 6%/năm; giai đoạn 2016-2018, bình quân giảm 6,87%).
Tuy nhiên, việc chỉ đạo thực hiện rà soát và bình xét hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo có nơi chưa đảm bảo theo quy định; tỷ lệ hộ nghèo, phát sinh nghèo có nơi còn cao; việc tổ chức, triển khai chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo có nội dung chưa đảm bảo.
UBND huyện Lâm Bình đề nghị tăng nguồn kinh phí, nâng định mức hỗ trợ để thực hiện đồng bộ với mục tiêu của đề án đã được phê duyệt, đặc biệt là nguồn kinh phí cho công tác đào tạo nghề cho người nghèo và xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất ngành nghề nông thôn; bố trí kế hoạch vốn hàng năm sớm để phân bổ vốn chi tiết cho các xã thực hiện, đảm bảo đúng tiến độ đề ra; giảm bớt một số chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo nhằm tránh tư tưởng ỷ lại của người dân; xem xét có chính sách hỗ trợ bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; hỗ trợ kinh phí cho các hợp tác xã liên kết sản xuất với hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh làm việc tại UBND huyện Lâm Bình. |
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Ma Thị Thúy đánh giá cao việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gai giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2012-2018 của huyện Lâm Bình. Đồng chí đề nghị huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số về chương trình này; chủ động thông tin, công khai minh bạch kết quả chương trình giảm nghèo cho người dân biết; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát lại nhu cầu của từng hộ dân để có kế hoạch hỗ trợ phù hợp, hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn hợp lý, tăng cường công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số…