Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thuý góp ý xây dựng dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Sáng ngày 5/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Tham dự hội nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang có 3 đại biểu chuyên trách gồm: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lò Thị Việt Hà, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thúy.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh Duy Linh. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết kỳ họp thứ 5 tới, công tác lập pháp là một nhiệm vụ trọng tâm với việc xem xét cho ý kiến và thông qua nhiều dự án lớn và quan trọng. Trong đó, số lượng dự án luật trình xem xét thông qua hoặc xem xét lần đầu dự kiến gấp đôi do với các kỳ họp khác. Số lượng các dự án luật dự kiến đưa vào chương trình là rất lớn do yêu cầu bức thiết của thực tiễn.

 Để chuẩn bị tốt công tác lập pháp, tại hội nghị này, các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt, phát huy bề dày kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng tâm huyết, thảo luận tranh luận, thể hiện rõ chính kiến, có phân tích sâu sắc, lập luận thuyết phục, biện chứng về các vấn đề của dự thảo luật cũng như những vấn đề thực tiễn đặt ra để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định thông qua tại Kỳ họp thứ 5. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tập trung trí tuệ, thảo luận, cho ý kiến vào 7 dự án luật trong đó có 6 dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua gồm Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) Luật Giá (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự và dự án Luật Đất đai (sửa đổi). 


Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thúy phát biểu tại hội nghị.

Tham gia thảo luận vào dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh nhất trí cao với báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ quốc hội về dự án luật, đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ quốc hội xem xét 02 nội dung như sau:

Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 78 về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã: Đề nghị ủy ban Thường vụ quốc hội xem xét, cân nhắc việc cho phép chuyển nhượng vốn giữa các thành viên trong Hợp tác xã, Liên Hiệp Hơp tác xã. Vì nếu việc cho phép chuyển nhượng vốn góp sẽ làm mất đi bản chất của Hợp tác xã, làm cho các tổ chức kinh tế hoạt động như loại hình Công ty cổ phần.

Thứ hai, Khoản 1 Điều 110 quy định: “ Tổ chức đại diện của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong đó hệ thống liên minh hợp tác xã là nòng cốt, được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội và pháp luật có liên quan” Đại biểu cho rằng quy định này chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong bối cảnh tình hình hiện nay. Bởi vì, kinh tế tập thể, hợp tác xã được Đảng và Nhà nước khẳng định là thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tập thể cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, nhưng trên thực tế khu vực này còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc xác lập tư cách của mỗi hình thức đối tượng thành viên, người lao động trong hợp tác xã, liên minh hợp tác xã chưa rõ, chưa tạo ra động lực để phát triển, nhận thức về mô hình hợp tác xã kiểu mới còn rất hạn chế nên rất cần có sự hỗ trợ và tạo điều kiện để tổ hợp tác, hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã phát triển, trong đó Liên minh Hợp tác xã là tổ chức đại diện các hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, làm cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với thành phần kinh tế tập thể…


Quang cảnh Hội nghị. Ảnh Hồ Long.

Kiến nghị Ban soạn thảo cần phải làm rõ về vai trò, vị trí pháp lý của Liên minh Hợp tác xã không phải là tổ chức hội quần chúng và cũng không phải là tổ chức hội đặc thù, mà là tổ chức đại diện các Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã, tạo sự thống nhất về quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 20  Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả Kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, đó là: “Củng cố, tăng cường hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã và các tổ chức đại diện. Liên minh Hợp tác xã là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức Kinh tế tập thể, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển Kinh tế tập thể, làm cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với thành phần Kinh tế tập thể, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước. Phát huy vai trò hướng dẫn, chia sẻ thông tin, vận động thực hiện các chính sách đối với Kinh tế tập thể”. Đồng chí Ma Thị Thúy đề nghị Ủy ban Thường vụ quốc hội xem xét bỏ quy định về “Liên minh Hợp tác xã được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội”; đồng thời, bổ sung thêm 02 nội dung vào dự thảo Luật, gồm: Liên minh hợp tác xã là tổ chức đại diện các hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã do Đảng và Nhà nước thành lập và giao nhiệm vụ, được Nhà nước giao biên chế, cơ sở vật chất, phương tiện đi lại, làm việc và kinh phí để Liên minh hợp tác xã hoạt động và thực hiện nhiệm vụ được giao; Liên minh hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã và các quy định của pháp luật về Liên minh hợp tác xã. Chính phủ quy định chi tiết về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của hệ thống Liên minh hợp tác xã và các đại diện cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cũng báo cáo trao đổi, làm rõ thêm những vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm./.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục