Dự buổi làm việc có đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh Tuyên Quang và các thành viên trong tổ giám sát. Về phía Ủy Ban Dân tộc có đồng chí Hầu A Lềnh, ủy viên ban chấp hành Trung ương Đảng Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và các thành phần liên quan.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân phát biểu tại cuộc làm việc.
Tại buổi làm việc, các thành viên tổ giám sát đã trao đổi, làm rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc trong các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ giao về Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; việc tham mưu cho Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình dân tộc thiểu số và miền núi; việc tham mưu, ban hành các văn bản quản lý, hướng dẫn các dự án, tiểu dự án trong Chương trình dân tộc thiểu số và miền núi; công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình dân tộc thiểu số và miền núi; Kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của đơn vị đối với Chương trình dân tộc thiểu số và miền núi; Công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về tín dụng chính sách trong các Chương trình mục tiêu Quốc gia; giải pháp và kiến nghị của Ủy ban Dân tộc với Quốc hội, chính phủ, cơ quan liên quan...
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy phát biểu ý kiến.
Đồng chí Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy cơ bản đồng tình với Báo cáo của Ủy ban Dân tộc, Báo cáo đã đánh giá về việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với những kết quả bước đầu. Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương đã bám sát nhiệm vụ được giao để triển khai thực hiện. Thành lập, kiện toàn tổ chức bộ máy điều phối chương trình; ban hành các văn bản liên quan để cụ thể hóa, hướng dẫn và triển khai thực hiện nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện tại cơ sở, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động triển khai các hoạt động của Chương trình. Quá trình thực hiện bước đầu đã tổ chức được một số cuộc kiểm tra, giám sát về các nội dung liên quan trong Chương trình... Ủy ban Dân tộc với trách nhiệm là cơ quan chủ trì đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chương trình.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng nhiều nội dung đánh giá trong Báo cáo chưa thực sự cụ thể và bao quát chung về tổng thể việc triển khai thực hiện Chương trình để từ đó xác định chính xác hiện nay việc thực hiện đang đứng ở giai đoạn nào trong Chương trình. Đối với các dự án, tiểu dự án... mới chủ yếu mang tính chất thống kê số liệu, chưa có đánh giá sâu về từng nội dung cụ thể. Đồng chí trao đổi với Ủy Ban dân tộc làm rõ một số nội dung như:
Theo Báo cáo, còn 02 Uỷ ban nhân dân tỉnh/50 tỉnh chưa ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi cho cả giai đoạn và năm 2022 tại địa phương; 03 tỉnh chưa ban hành Nghị quyết, Quyết định quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình và 02 tỉnh chưa ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, dự toán ngân sách trung ương năm 2022 và mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022 thực hiện Chương trình. Đề nghị cần làm rõ hơn về nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Đối với một số văn bản quy định, hướng dẫn cơ chế, chính sách của một số bộ, ngành ban hành chậm so với kế hoạch (hiện nay còn Bộ Thông tin và Truyền thông chưa có văn bản Hướng dẫn triển khai tiểu dự án 2, Dự án 10 về Hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại Ủy ban nhân dân cấp xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự); một số quy định, hướng dẫn chưa đồng bộ, điển hình như tại dự án 3 (có nội dung trồng dược liệu) chưa có sự thống nhất giữa Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp để hướng dẫn nên tất cả các địa phương chưa triển khai được; Uỷ ban Dân tộc chưa hoàn thành việc xác định thôn cho dân tộc có khó khăn đặc thù; việc ủy thác cho vay hỗ trợ sản xuất (dự án 9), chưa hoàn thành sửa đổi Thông tư 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 Hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025... Đề nghị Ủy ban Dân tộc với trách nhiệm là cơ quan chủ trì cần chủ động phối hợp tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc báo cáo, tham mưu, đề xuất với Chính phủ để có biện pháp khắc phục.
Đối với việc lập, thẩm định, phê duyệt, giao dự toán thực hiện Nghị quyết hàng năm và trung hạn 5 năm giai đoạn và 2021-2025, Báo cáo đã nêu được một số số liệu cụ thể. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần phân tích thêm về tỷ lệ phân bổ vốn so với Kế hoạch đối với từng nguồn để chủ động hơn trong việc tham mưu, đề xuất và thực hiện thời gian tới.
Toàn cảnh cuộc làm việc.
Đối với tiến độ giải ngân năm 2022 trung bình mới đạt 43,58%. Trong đó có nhiều dự án, tiểu dự án đạt tỷ lệ rất thấp. Trong đó một số dự án, tiểu dự án do Ủy ban Dân tộc chủ trì, cụ thể: Tiểu dự án 4 thuộc dự án 5: Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp Đây là nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng, cùng với việc ban hành các văn bản - phần cơ chế thì đây là điều kiện tiền đề - về nhân lực thực hiện, kết quả giải ngân đạt 8%; tiểu dự án 2 thuộc dự án 2 (Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) đạt 8,4%. Cá biệt, với Tiểu dự án 2 thuộc dự án 4 (Đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc, với mục tiêu củng cố, tăng cường cơ sở vật chất, năng lực đào tạo các trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú; nâng cao chất lượng đào tạo hệ dự bị đại học cho học sinh dân tộc thiểu số để bảo đảm chất lượng đào tạo đại học người dân tộc thiểu số). Đề nghị Uỷ ban Dân tộc làm rõ nguyên nhân về tiến độ giải ngân của các Bộ ngành và các địa phương, đặc biệt là các dự án liên quan đến Uỷ ban Dân tộc chủ trì.
Đại biểu Ma Thị Thuý cũng trao đổi một số khó khăn, vướng mắc qua thực tiễn thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang như: Chưa có hướng dẫn về dự án Dược liệu; vướng mắc về thực hiện cơ chế đặc thù đối với hỗ trợ nhà ở đất ở đất sản xuất; các chỉ tiêu do bộ văn hoá đề xuất có nội dung còn chưa thống nhất với tỉnh; vướng mắc trong việc xác định địa bàn dân tộc rất ít người và cơ chế uỷ thác cho vay đối với dân tộc còn nhiều khó khăn...
Liên quan đến kinh phí thực hiện chương trình tại tỉnh, đại biểu cho rằng việc giải ngân thực hiện chương trình đang rất chậm do nhiều nguyên nhân trong đó có nội dung về kinh phí giải phóng mặt bằng. Đại biểu đề nghị Uỷ ban Dân tộc làm rõ tại tiểu dự án 2, Dự án 4 về Đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc (các trường dự bị đại học, trong đó có Đại học Tân Trào - Tuyên Quang,...) có được sử dụng kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia đã phân bổ cho việc giải phóng mặt bằng không? khi đề nghị Uỷ ban Dân tộc có văn bản phúc đáp có hay không? các căn cứ pháp lý kèm theo? (tỉnh Tuyên Quang đã có 02 văn bản đề xuất nhưng chưa được phúc đáp). Đồng thời, rất mong Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng ủng hộ Tuyên Quang dùng kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia để sử dụng trong giải phóng mặt bằng vì tỉnh còn khó khăn, chưa cân đối được nguồn thu, hơn nữa giai đoạn này tỉnh triển khai 2 tuyến cao tốc và nhiều công trình trọng điểm./.