Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang chủ trì họp Tổ 11 gồm 26 đại biểu của các tỉnh: Thanh Hóa, Cà Mau, Tuyên Quang.
Các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận.
Tại phiên họp tổ, tham gia thảo luận vào dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi nội quy kỳ họp, thống nhất với bốn mục đích, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi và 31 nhóm vấn đề mới bổ sung đã cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề ra. Đồng thời đề nghị một số nội dung như: bổ sung thành phần mời tham dự các phiên họp dự thính của Quốc hội là Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố để phù hợp với thực tế. Đối với việc gửi tài liệu kỳ họp, đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, đây là khâu hết sức quan trọng góp phần làm lên thành công của kỳ họp, mặc dù việc gửi tài liệu hiện nay đã được gửi sớm hơn so với các nhiệm kỳ trước, nhưng nhiều tài liệu vẫn chưa đảm bảo thời gian, do vậy đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị công khai các cơ quan, các bộ, ngành gửi tài liệu chậm làm ảnh hưởng đến việc nghiên cứu của đại biểu, bổ sung trực các chế tài mạnh và chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn đối với những tài liệu gửi chậm theo hướng là không trình Quốc hội xem xét; xem xét trách nhiệm đối với cơ quan chủ trì soạn thảo dự án trong việc để chậm trễ, nợ đọng dự thảo, dự án để giảm tình trạng chậm trễ, đảm bảo quy trình xây dựng pháp luật… đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, xem xét lại quy định cho phép kéo dài thời gian phát biểu của đại biểu là chuyên gia lên không quá 15 phút này, vì trong kỳ họp Quốc hội, quyền của các đại biểu là ngang nhau; bổ sung quy định khi việc báo cáo vắng mặt của Trưởng Đoàn để đảm bảo chặt chẽ; xem xét gộp một số điều khoản cho phù hợp, tránh chồng chéo; bổ sung quy định về trách nhiệm tiếp thu, giải trình khi trình Quốc hội lần thứ 3...
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thuý tham gia ý kiến.
Thảo luận về Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đại biểu Quốc hội tỉnh nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Với mục tiêu là để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, bảo đảm đồng bộ giữa quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên và quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; đại biểu cũng đề nghị rà soát các quy định của Đảng về công tác cán bộ để thể chế hóa đầy đủ vào nghị quyết, đảm bảo đồng bộ giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Về trình tự, thủ tục ban hành Nghị quyết, đại biểu Quốc hội tỉnh nhất trí theo trình tự, thủ tục rút gọn. Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đề nghị xem xét, bỏ nội dung “trong toàn hệ thống chính trị” trong dự thảo vì theo khái niệm chung và cách hiểu thống nhất hiện nay thì “Hệ thống chính trị ở nước ta là một chỉnh thể thống nhất, gắn bó hữu cơ, bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”. Mặt khác, theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức thì cán bộ, công chức, viên chức là những người làm việc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp... do đó các trường hơp này đương nhiên chịu sự điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức cũng như Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính sau khi được ban hành. Nếu quy định thêm nội dung “trong toàn hệ thống chính trị” là không cần thiết. Đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét nếu có thể thì ban hành riêng Nghị quyết về nội dung này, do có thể coi đây là sự sửa đổi, bổ sung nội dung trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; đồng thời khi viện dẫn hoặc áp dụng trong thực tế sẽ thuận lợi hơn.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) tham gia ý kiến.
Đối với dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi): Đại biểu Quốc hội tỉnh nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung dự án Luật, đồng thời đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, sửa đổi những văn bản liên quan đến dự án Luật; bổ sung thêm những kênh để cho đối tượng báo cáo khai thác thông tin, xác minh và cập nhật đối với khách hàng; bổ sung thêm nội dung quy định về trách nhiệm bảo mật thông tin của khách hàng trong công tác phòng, chống rửa tiền. Các đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đồng tình với quy định về việc tách chức năng của phòng, chống rửa tiền ra khỏi cơ quan thanh tra, giám sát hàng nhà nước để đảm bảo về tính độc lập và tính chuyên nghiệp trong công tác thanh tra, giám sát về công tác phòng, chống rửa tiền, đồng thời cũng phù hợp với khuyến nghị mà FATF khuyến nghị đối với Việt Nam./.