Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội

Sáng nay 22/10/2022, Quốc hội thảo luận tại tổ cho ý kiến về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2023- 2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý). Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.
Video không hợp lệ

Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang chủ trì họp Tổ 11 gồm 26 đại biểu của các tỉnh: Thanh Hóa, Cà Mau, Tuyên Quang .


Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận.

Tại buổi thảo luận, cơ bản các vị đại biểu đồng tình với Báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Sau đại dịch COVID-19 với nhiều biện pháp quyết liệt, hiệu quả, các gói kích cầu phát triển kinh tế đã hỗ trợ, tạo đà tốt cho kinh tế phục hồi, phát triển. Trong đó nổi bật là các cân đối vĩ mô được bảo đảm; lạm phát trong tầm kiểm soát; tốc độ tăng trưởng GDP trong 9 tháng đạt 8,83%, là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng ở mức cao trong khu vực và toàn cầu; thu ngân sách tăng hơn 14%; thu nhập của người lao động cũng tăng, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ; an sinh xã hội có nhiều tiến bộ...Các đại biểu trong Tổ 11 cũng phân tích làm rõ hơn những khó khăn, hạn chế, vướng mắc cần có biện pháp quyết liệt để giải quyết, tháo gỡ trong lĩnh vực đầu tư công, xuất khẩu, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, quản lý nhà nước trong một số ngành, lĩnh vực...


Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) tham gia ý kiến.

Liên quan tới tình trạng thiếu giáo viên, đại biểu Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Tuyên Quang đề nghị cần xem xét đánh giá cụ thể vấn đề này để có hướng tháo gỡ khó khăn. Đối với Giáo dục Đại học và giáo dục nghề nghiệp, hiện nay so với thế giới vẫn còn những khoảng cách. Do đó, cần phải có tính toán lại cho giáo dục đại học, cơ cấu lại để tạo cú hích cho các trường đại học đầu tư tốt hơn về con người và vật chất. Đối với giáo dục nghề nghiệp mức chi còn thấp, trong khi chúng ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì nguồn cạnh tranh phải là nhân lực chất lượng cao. Ông cho rằng hiện nay chúng ta đang tận dụng được nguồn nhân lực giá rẻ, nhưng đã đến lúc không thể khai thác được lợi thế giá rẻ mà phải chuyển hướng tới nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không có đầu tư tương xứng cho giáo dục nghề nghiệp sẽ khó khăn trong quá trình phát triển.


Đại biểu Lò Thị Việt Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) tham gia ý kiến.

Tại buổi thảo luận tổ, đại biểu Lò Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Tuyên Quang nêu ý kiến, cần đánh giá cụ thể, toàn diện hơn về những hạn chế, khó khăn trong lĩnh vực an sinh xã hội. Đối với các Chương trình MTQG, cần quan tâm giảm thủ tục hành chính để thúc đẩy thực hiện. Đề nghị Chính phủ sớm rà soát việc hỗ trợ nhà ở cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng được xử lý nhanh nhất, hiệu quả, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó cần quan tâm vấn đề chênh lệch giới tính trẻ em khi sinh hiện nay  tỷ lệ nam giới đang ngày càng cao hơn nữ giới; chênh lệch mức sinh giữa các vùng còn cao. Đồng thờicần nghên cứu, đánh giá để sơm có kịch bản ứng phó với sự già hóa dân số, khi 2029 thì Việt Nam được dự báo là dân số già; theo đó, đề nghị Chính phủ cần đầu tư thêm cho chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cũng như việc làm khi già hóa dân số để thích ứng kịp thời.

Cũng tại buổi thảo luận tổ, nhiều đại biểu cho rằng hiện tại cần phải có bước đột phá trong việc tạo hành lang pháp lý cho thủ tục hồ sơ trong đầu tư công, hiện nay tốc độ đầu tư rất chậm, thậm chí mất từ 9 - 10 tháng mới có thể được giải ngân. Đặc biệt, nhiêù dự án đến tháng 10 trong năm mới giải ngân được, như vậy sẽ rất khó cho các địa phương thực hiện việc triển khai kịp tiến độ dự án đã phê duyệt. Qua đó, nhiều đại biểu đề nghị cần sớm có phương án để có thể giảm bớt thời gian, thủ tục để đầu tư công đạt hiệu quả cao. Đồng thời Chính phủ cần đưa ra các kịch bản để ứng phó với tình hình thế giới đang có nhiều biến động, trong khi Việt Nam vẫn là nước sẽ chịu sự tác động từ tình hình chung này theo chiều hướng trễ hơn so với nhiều quốc gia khác. Do đó, cần có sự chủ động để đảm bảo được mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng đã đề ra./.

Bách Chiến
Video: tuyenquangtv.vn

Tin cùng chuyên mục