Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Giá (sửa đổi)

Tiếp tục hoạt động xây dựng Luật của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, sáng 14/10/2022, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp với Sở Tài chính tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Giá (sửa đổi). Đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV và đồng chí Hà Trung Kiên, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính đồng chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố.


Các đồng chí lãnh đạo chủ trì hội nghị.

Hội nghị được nghe báo cáo sự cần thiết ban hành Luật; mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, bố cục và nội dung cơ bản của 02 dự thảo dự án Luật, theo đó:

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) gồm 10 Chương, 98 Điều. So với Luật Đấu thầu năm 2013, Luật này đã sửa đổi 75 điều, bổ sung mới 21 điều, giữ nguyên 02 điều, bãi bỏ 12 điều với nội dung tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác đấu thầu.

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) gồm 8 chương, 72 điều. So với Luật Giá hiện hành, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) bổ sung mới 3 chương về: Nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước nhằm thể hiện rõ mục tiêu tăng cường phân công, phân cấp, phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước trong triển khai công tác quản lý nhà nước về giá; công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ này trong thực tiễn.

Phát biểu thảo luận vào dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đấu thầu để phù hợp với các quy định hiện hành, đồng thời tập trung thảo luận vào các nội dung như: Đề nghị làm rõ các quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu; nghiên cứu bổ sung thêm quy định về hủy thầu trong trường hợp thương thảo hợp đồng không thành công và trường hợp đã gia hạn thời gian đóng thầu nhưng đến thời điểm đóng thầu không có nhà thầu tham gia; gói thầu dịch vụ tư vấn, chỉ định thầu; về mua sắm trực tiếp; về đền bù chi phí cho các bên liên quan khi hủy thầu; phân chia về thời gian lựa chọn nhà thầu...


Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu ý kiến.

Đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), đại biểu đồng tình cao với  việc sửa đổi dự án Luật để hoàn thiện thể chế pháp luật về giá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới; khắc phục những tồn tại hạn chế của Luật hiện hành; hạn chế sự phân tán, thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về giá và đáp ứng các yêu cầu về tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời đề nghị làm rõ thêm một số nội dung tại dự thảo Luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, về nguyên tắc niêm yết giá; về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân quy định trong dự thảo; về điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá...

Tiếp thu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu dự hội nghị. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp, tham gia góp ý, đề xuất tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV để hoàn thiện các dự án Luật, góp phần khi Luật được ban hành sẽ khắc phục những vướng mắc về thể chế, lỗ hổng chính sách, những bất hợp lý của hệ thống pháp luật; tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về đấu thầu, về giá; bảo đảm tính thống nhất đồng bộ, cụ thể, khả thi của Luật với hệ thống pháp luật./.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục