Tham dự Hội nghị có đồng chí Lê Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng chí Tăng Thị Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các đồng chí đại diện lãnh đạo một số Sở, ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố.
Đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Ma Thị Thúy chủ trì hội nghị |
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh tỉnh Tuyên Quang, đại biểu Quốc hội tỉnh báo cáo sự cần thiết ban hành và một số nội dung cơ bản của dự án Luật.
Lãnh đạo Sở Tư pháp phát biểu ý kiến |
Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội Khóa XI thông qua tại Kỳ họp thứ 4 ngày 26/11/2003, có hiệu lực từ ngày 01/7/2004. Luật đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2005 và 2013. Sau 17 năm thực hiện, Luật đã đi vào cuộc sống, được các cấp, ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả. Các phong trào thi đua yêu nước có sự đổi mới về nội dung, hình thức và thiết thực hơn. Công tác khen thưởng đã mang lại tác dụng động viên, cổ vũ các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với thực tế. Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) gồm có 8 Chương và 98 Điều, có 3 Điều đổi mới hoàn toàn được đưa vào dự thảo Luật là Điều 26 quy định về tiêu chuẩn danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, Thị trấn tiêu biểu”, Điều 55 quy định về hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, Điều 96 quy định về Trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...
Đại diện Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ phát biểu ý kiến |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã phân tích những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng thời gian qua; từ đó đề nghị Luật cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Một số nội dung chủ yếu được đại biểu tập trung đề nghị như: Quy định rõ hơn về tiêu chuẩn chiến sỹ thi đua cơ sở; bổ sung danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp Bộ, Ban, ngành, tỉnh “có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phạm vi công việc được phân công và được lựa chọn trong số những cá nhân có ba lần liên tục được tặng thưởng danh hiệu “chiến sỹ thi đua cơ sở”; không giao thẩm quyền quy định chi tiết việc xét tặng các danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, Thị trấn tiêu biểu”; “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu”; “Gia đình tiêu biểu” cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà xem xét giao cho Chính phủ hoặc Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý quy định chi tiết để việc tổ chức thực hiện đảm bảo thống nhất trong phạm vi toàn quốc; xem xét, quy định thống nhất về số lượng hồ sơ đề nghị khen thưởng ở tất cả danh hiệu, hình thức, cấp có thẩm quyền khen thưởng; một số vấn đề về quy định và sử dụng quỹ thi đua khen thưởng tại các cấp; về việc xác định danh hiệu thi đua đối với khu vực doanh nghiệp; các sửa đổi, bổ sung liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng.…
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy trân trọng tiếp thu và đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, đầy trách nhiệm của các đại biểu tham dự. Đồng thời, nhấn mạnh các ý kiến sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xem xét, tổng hợp, tham gia góp ý tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV và báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.