Đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh và đồng chí Đỗ Tiến Thùy, Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Việt Hà, đại biểu Quốc hội khóa XV, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, chi nhánh tỉnh Tuyên Quang; Tăng Thị Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các đồng chí đại diện lãnh đạo Ban pháp chế HĐND tỉnh; Sở Tư pháp; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các đơn vị, Công an các huyện, thành phố; Bí thư đoàn thanh niên, chủ tịch hội phụ nữ Công an tỉnh và đại diện các đội nghiệp vụ phòng tham mưu công an tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị. |
Thảo luận về Luật Cảnh sát cơ động, các đại biểu dự hội nghị đều thống nhất sự cần thiết phải xây dựng Luật nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; khắc phục những bất cập của Pháp lệnh cảnh sát cơ động hiện hành, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng và kiện toàn tổ chức, hoạt động của Cảnh sát cơ động trong tình hình mới. Với 05 chương, 31 điều, dự thảo Luật bám sát 04 chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua; các ý kiến cơ bản nhất trí với các nội dung theo dự thảo, đồng thời đề nghị nghiên cứu một số nội dung như: Đề nghị xem xét quy định về chế độ chính sách đối với Cảnh sát cơ động cho phù hợp; việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; về thẩm quyền huy động lực lượng Cảnh sát cơ động… Đối với nội dung xin ý kiến về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động, đa số các đại biểu lựa chọn Phương án 1, theo đó chỉ quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động gồm: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và cảnh sát cơ động Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018.
Đại biểu phát biểu góp ý vào dự thảo Luật. |
Đại biểu dự Hội nghị cũng có ý kiến tham gia góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Đại biểu thống nhất sự cần thiết phải ban hành, sửa đổi một số điều nhằm bảo đảm thực hiện các cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) đối với Việt Nam; tăng cường vai trò của Công an xã, đồng thời kịp thời giảm tải khối lượng công việc hiện đang rất lớn cho Cơ quan điều tra Công an cấp huyện, giải quyết khó khăn, vướng mắc cấp bách trong hoạt động điều tra hình sự do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 từ địa bàn cấp cơ sở. Theo đó, dự thảo Luật lần này chỉ sửa đổi, bổ sung 6 điều của Bộ Luật hình sự số 101/2015/QH13 và sửa đổi, bổ sung 1 điều có liên quan của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13. Đại biểu tham gia góp ý các nội dung liên quan đến việc bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác tin báo về tội phạm đối với công an xã; hướng dẫn thay thế biện pháp ngăn chặn; về tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố…
Ngoài ra, cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh cũng trao đổi một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng các quy định của pháp luật vào nhiệm vụ công tác, qua đó đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kịp thời tổng hợp, chuyển ý kiến kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi bổ sung cho phù hợp.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy trân trọng tiếp thu và đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, đầy trách nhiệm của các đại biểu tham dự. Đồng thời, nhấn mạnh các ý kiến sẽ được Đoàn tổng hợp, Báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và tham gia góp ý tại kỳ họp sắp tới./.