Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các dự án Luật; bố cục của dự thảo như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban vào 02 dự án Luật. Đồng thời góp ý một số nội dung cụ thể:
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà phát biểu tại phiên họp tổ.
Đối với dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), tại khoản 6 Điều 5 về quy định đối tượng áp dụng luật có việc đầu tư vốn điều lệ cho ngân hàng chính sách. Theo đại biểu, nhu cầu cấp bổ sung vốn điều lệ từ nguồn ngân sách nhà nước cho các Ngân hàng Thương mại Nhà nước là rất cần thiết, trên thực tế thời gian qua Quốc hội cũng đã xem xét chấp thuận việc cấp vốn cho Agribank và Vietcombank… Do vậy, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị bổ sung đối tượng được cấp vốn điều lệ từ nguồn vốn đầu tư công có các Ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến 100% vốn điều lệ.
Về Tiêu chí phân loại dự án nhóm A (Điều 9 dự thảo), khoản 1 liệt kê các dự án không phân biệt tổng mức đầu tư, gồm đối tượng là dự án hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Quy trình thủ tục, quyết định đầu tư dự án nhóm a rất phức tạp; có những dự án hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất có tổng mức đầu tư không lớn, nếu áp dụng theo điều khoản này sẽ gây khó khăn và kéo dài thời gian thực hiện đầu tư, do vậy đề nghị cân nhắc thêm nội dung này…
Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia, đại biểu tham gia góp ý vào Điều 1 (Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Chứng khoán), theo đó: Góp ý vào khoản 3 Điều 1 (Bổ sung Điều 11a vào sau Điều 11) dự thảo Luật có bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo, đại biểu đồng tình cao với dự thảo, để đảm bảo thị trường chứng khoán ổn định và minh bạch; đồng thời đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ lại trách nhiệm của các bên về tính hợp pháp, hợp lệ cho đầy đủ, thống nhất để nâng cao trách nhiệm của các bên.
Tại khoản 9 Điều 1 (bổ sung Điều 31a vào sau Điều 31) có quy định về “Đình chỉ, hủy bỏ chào bán chứng khoán riêng lẻ”, tuy nhiên không quy định hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ, như: trách nhiệm hoàn trả tiền cho nhà đầu tư hoặc trách nhiệm bồi thường thiệt hại như thế nào? Đề nghị rà soát, bổ sung nội dung này.
Điều 31a quy định về Đình chỉ, hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ. Theo đó khoản 1 quy định: “Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định đình chỉ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ tối đa là 60 ngày khi phát hiện hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán, tài liệu báo cáo chào bán có thông tin sai lệch, bỏ sót nội dung quan trọng…..”. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh rút thời gian đình chỉ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ, vì theo quy định của Luật Chứng khoán hiện hành thì đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ phải hoàn thành trong vòng 90 ngày, nếu tổ chức phát hành chào bán chứng khoán riêng lẻ bị đình chỉ chiếm 60 ngày thì thời gian còn lại để chào bán chứng khoán chỉ còn 30 ngày sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh và việc chào bán thành công chứng khoán của tổ chức phát hành do bị khống chế thời gian chào bán chứng khoán riêng lẻ, do vậy, đề nghị rà soát để rút ngắn thời gian này/.