Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về 02 nội dung tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Sáng ngày 30/10, Quốc hội thảo luận tại các Tổ đại biểu vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Tham gia thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, đại biểu Quốc hội tỉnh thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về dự thảo Luật. Việc sửa đổi, bổ sung các Luật đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn triển khai liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát…


Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Ma Thị Thúy phát biểu.

 Góp ý về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Đầu tư, đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh tham gia vào 03 nội dung: Về quy định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án: Theo đại biểu, hiện nay hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp chưa được quy định trong dự thảo Luật Đầu tư. Thực tế, Nghị định số 32/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phải thực hiện cả hai thủ tục là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục thành lập cụm công nghiệp. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020 chỉ quy định 03 hình thức lựa chọn nhà đầu tư là Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu, Chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư; không quy định việc lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quy định của Nghị định số 32/2024/NĐ-CP… đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp bằng nguồn vốn của các nhà đầu tư để triển khai bảo đảm phù hợp giữa Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 32/2024/NĐ-CP.

Về năng lực tài chính của nhà đầu tư: Luật Đầu tư năm 2020 quy định những tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư. Tuy nhiên, không quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu để bảo đảm khả năng huy động vốn thực hiện dự án đầu tư nên không có cơ sở thẩm định. Đề nghị bổ sung quy định cụ thể về tỷ lệ tối thiểu vốn chủ sở hữu làm cơ sở đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư, đảm bảo việc huy động các nguồn lực thống nhất giữa các dự án.

Về thủ tục đầu tư đặc biệt: Dự thảo Luật bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đặc biệt áp dụng đối với một số dự án đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế. Theo quy định tại khoản 6 Điều 36a, nhà đầu tư thực hiện các dự án này được thành lập tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư trước khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, sẽ rút ngắn rất nhiều về thời gian thực hiện dự án. Tuy nhiên, quy định này cũng liên quan tới nhiều văn bản pháp luật trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy. Việc quy định về việc miễn thực hiện các thủ tục liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư, nhưng không đồng thời sửa đổi các quy định tại các văn bản pháp luật về xây dựng, chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, có thể dẫn tới tình trạng lúng túng và thiếu thống nhất khi áp dụng. Do vậy, đề nghị bổ sung quy định liệt kê các quy định liên quan đến các lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy, để sửa đổi theo hướng loại trừ các dự án đầu tư được liệt kê tại khoản 1 Điều 36a trong các thủ tục liên quan.


Đại biểu Quốc hội Lò Thị Việt Hà phát biểu.

Đại biểu Lò Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực Ủy Ban Xã hội của Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về chính sách ưu đãi đặc biệt đối với đầu tư trong phát triển công nghiệp dược, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do trước đây lĩnh vực y dược khó thu hút đầu tư, nhất là việc phát triển, sản xuất thuốc và dược liệu trong nước, để phát triển ngành Dược Việt Nam theo đúng chủ trương. Trước đây, định mức đầu tư là quá cao nên không có doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp dược tại Việt Nam, vì vậy, việc hạ mức đầu tư của mức ưu đãi xuống còn 3.000 tỷ đồng của dự án sẽ thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp dược, để người dân được thụ hưởng các chính sách liên quan đến công nghiệp dược, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp dược trong thời gian tới…

Góp ý về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, đại biểu Ma Thị Thúy tham gia 02 nội dung: Về căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu: Tại điểm c khoản 1 Điều 38 Luật Đấu thầu năm 2023 quy định về căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu: "c) Dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, trừ trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công". Thực tiễn, trong một số trường hợp dự án được bố trí vốn trong 02 kỳ trung hạn, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn mới chỉ xác định cụ thể tại kỳ trung hạn hiện tại, chưa xác định được số vốn giao tại kỳ trung hạn kế tiếp. Nếu quy định dự án được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn là 100% tổng mức đầu tư thì dự án không đủ cơ sở để phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định nêu trên. Do đó, đề nghị bổ sung quy định cụ thể tỷ lệ vốn trung hạn bố trí cho dự án so với tổng mức đầu tư của dự án.

Tại Điểm 5 khoản 12 Điều 4 về sửa đổi, bổ sung Điều 42 Luật Đấu thầu, đại biểu đề nghị xem xét lại quy định này, vì để tham dự thầu, nhà thầu đã bỏ ra chi phí để xây dựng hồ sơ thầu, trong trường hợp hủy thầu không do lỗi của nhà thầu thì việc không được bồi thường, hoặc ít nhất là chia sẻ kinh phí khiến cho quyền lợi của nhà thầu không được đảm bảo. Mặt khác, đối với vấn đề đấu thầu trước, việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu với các gói thầu tổ chức đấu thầu trước đang được căn cứ trên cơ sở các hồ sơ của dự án chưa được phê duyệt. Với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng, kỹ thuật, rà phá bom mìn, vật nổ, quy hoạch tái định cư (như gói thầu xây lắp) có thể phát sinh tình huống trong quá trình thẩm tra phê duyệt dự án có điều chỉnh một số tiêu chí khác so với hồ sơ ban đầu dẫn đến hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của Chủ đầu tư và hồ sơ chào thầu của nhà thầu đã tổ chức đấu thầu trước không đáp ứng được theo các tiêu chí chính của dự án. Nếu triển khai ký kết hợp đồng theo kết quả đấu thầu trước sẽ không đáp ứng yêu cầu của dự án được phê duyệt…


Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai phát biểu.

Đại biểu Âu Thị Mai, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi quy định về chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, cùng một số quy định khác để tháo gỡ vướng mắc, tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu; Tại điều 29 đề nghị xem xét bổ sung quy định về đấu thầu trong trường hợp đặc biệt đối với các chương trình nghệ thuật, vì khi thực hiện một chương trình nghệ thuật đã ấn định, ngày giờ, đồng thời không có quy định khung về chương trình mà việc thực hiện chương trình phụ thuộc vào kinh phí để định về quy mô. Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể trường hợp thay đổi tỷ lệ góp vốn trong liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án, vì hiện nay Luật Đấu thầu chưa có quy định cụ thể về liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án, nhưng trên thực tế có nhiều dự án nhà đầu tư đề nghị thay đổi tỷ lệ góp vốn trong liên danh hoặc nhà đầu tư xin rút khỏi liên danh nhưng chưa có quy định cụ thể trường hợp này.

Đối với sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị về chi phí lập, thẩm định, điều chỉnh nhiệm vụ lập quy hoạch; thẩm định; đánh giá; điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sử dụng nguồn chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm sử dụng các nguồn vốn hợp pháp khác để thuận lợi trong quá trình thực hiện, đồng thời giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước trong trường hợp huy động được các nguồn vốn hợp pháp khác. Còn về trình tự, thủ tục và thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn, đại biều đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ quy định về việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều này trước khi xây dựng hồ sơ điều chỉnh quy hoạch, gửi xin ý kiến của cơ quan có liên quan”, vì quy định như dự thảo Luật chưa phù hợp với điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà phát biểu.

Góp ý vào Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, đại biểu Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Tuyên Quang thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết theo đề xuất của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Đại biểu khẳng định, Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định xử lý vật chứng của các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử khi có đình chỉ vụ án, tuy nhiên giai đoạn tiền tố tụng lại chưa quy định hoặc chưa đến giai đoạn đình chỉ thì chưa có quy định xử lý vật chứng, nhất là vật chứng liên quan đến tiền, bất động sản hoặc tài sản gắn liền với đất, dẫn đến bị hư hỏng, xuống cấp rất nhanh. Vì thế, việc ban hành cơ chế này là cần thiết nhằm hạn chế thiệt hại xảy ra.

Đối với quy định cụ thể, tại Khoản 1, đại biểu cho rằng dự thảo cần giải thích về khái niệm về vụ việc hình sự.

Điều 3 về các biện pháp xử lý vật chứng tài sản, tại khoản 1 quy định trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào tài khoản mở tại các Tổ chức tín dụng để chờ xử lý. Đề nghị xem xét lại, vì tổ chức tín dụng bao gồm cả tổ chức tín dụng phi ngân hàng, không có chức năng nhận tiền gửi.

Tại khoản 2 Điều 3 quy định nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa. Khoản 4 Điều 3 quy định giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng. Cả hai khoản này đều có điểm chung là khi tài sản, vật chứng được giao lại thì chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý, sử dụng hợp pháp đều được sử dụng, khai thác nhưng theo khoản 2 thì sẽ phải nộp một khoản tiền, về quy trình thủ tục là yêu cầu tương đối giống nhau.

Cũng ở khoản 2 nộp tiền vào để hủy bỏ thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa thì đối tượng ở đây bao gồm giấy tờ có giá và chứng khoán. Đại biểu băn khoăn việc quản lý, kiểm soát để tránh việc tẩu tán tài sản. Đồng thời cũng cần nêu rõ việc có được cầm cố thế, chấp tài sản được giao lại đó không.

Tại khoản 3 quy định việc cho phép mua bán chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng. Đề nghị làm rõ hơn cụm từ “tổ chức, cá nhân khác có liên quan” tại Điểm a khoản 3. Theo đại biểu, khi làm rõ cụm từ này sẽ bảo đảm khi triển khai không có vướng mắc, và không dẫn đến có nhiều quan điểm trong áp dụng pháp luật./.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục