Tuyên Quang, hiệu quả từ những nghị quyết hợp lòng dân

Chủ trương đúng đắn, kịp thời; nơi ý Đảng hợp lòng dân, huy động toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân vào cuộc.

Nhiệm kỳ 2021 - 2026 của HĐND các cấp khởi đầu với không ít khó khăn bởi ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng HĐND tỉnh Tuyên Quang đã có những quyết sách kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, hợp lòng dân, không chỉ góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” duy trì phát triển kinh tế mà còn giúp ổn định tình hình, thực hiện tốt an sinh xã hội. Trong đó Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 20/11/2020 của HĐND tỉnh Tuyên Quang thông qua Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021-2025 là một điển hình.


Toàn cảnh kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh khóa XVIII (ngày 12/11/2020) Ảnh: Thanh Phúc.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII xác định một trong những khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025 là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực, hạ tầng công nghệ thông tin và Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông là sự cụ thể hoá kịp thời khâu đột phá đó. Để góp phần sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống; với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, hiệu quả, chỉ một tháng sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, HĐND tỉnh khoá XVIII đã họp kỳ chuyên đề ban hành Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 20/11/2020 thông qua Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021-2025

Cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực phát triển.

Với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, trong đó Nhà nước hỗ trợ xi măng, ống cống, chi phí vận chuyển, bốc xếp đến địa điểm thi công gần nhất ô tô có thể đến được, kinh phí thuê máy trộn bê tông và kinh phí cho công tác quản lý; Nhân dân tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp ngày công lao động, máy, thiết bị phục vụ thi công, vật tư, vật liệu và tự tổ chức thi công công trình đảm bảo chất lượng. Xuất phát từ chủ trương đúng đắn, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân cùng với công tác tổ chức thực hiện khoa học, chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông trở thành một phong trào rộng khắp toàn tỉnh. Qua công tác tuyên truyền, mỗi người dân đều hiểu được trách nhiệm bản thân, gia đình trong việc thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn, xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Việc huy động đóng góp của nhân dân trong phong trào làm đường bê tông, cầu trên đường giao thông nông thôn được thôn, xóm, bản, tổ dân phố công khai minh bạch. 


Cầu Bảy Hào thôn Lẹm, xã Kháng Nhật (Sơn  Dương) được bằng bê tông cốt thép đã giúp người dân đi lại an toàn trong mùa mưa lũ. Ảnh: QSD.

Kết quả ngoài mong đợi.

Qua 02 năm (2021-2022) triển khai thực hiện, đến hết tháng 10/2022 toàn tỉnh đã cung ứng 70.480,11 tấn xi măng, 5.675 ống cống để bê tông hóa được 480,22 km đường giao thông nông thôn (đường thôn 242,48 km, đạt 40% kế hoạch Đề án, nâng số lượng đường thôn được bê tông hóa lên 2.969 km, đạt tỷ lệ 75,1%; Đường nội đồng thi công được 237,74 km, đạt 56,6% kế hoạch Đề án, nâng số lượng đường nội đồng được bê tông hóa lên 844,02 km, đạt tỷ lệ 51,1%), đồng thời thực hiện thi công cơ bản xong 38 cầu thuộc kế hoạch năm 2021, khởi công mới 39 cầu trên đường giao thông nông thôn (thuộc kế hoạch năm 2022).


Nhân dân thôn Khe Đảng, xã Tứ Quận (Yên Sơn) làm đường bê tông nông thôn.

Trong quá trình thực hiện, đã huy động được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ, đóng góp ngày công, kinh phí, vật liệu xây dựng, hiến đất để làm đường. Kết quả tổng kinh phí đầu tư cho chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn trong 02 năm (2021-2022) đạt 402,495 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 231,134 tỷ đồng (kinh phí xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn 131 tỷ đồng; kinh phí bê tông hóa đường giao thông nông thôn 100,134 tỷ đồng), nhân dân đóng góp 171,361 tỷ đồng; tổng diện tích đất đã hiến để làm đường hơn 94.043m2. Đã có nhiều điển hình trong phong trào hiến đất làm đường bê tông nông thôn, cầu trên đường giao thông nông thôn như hộ gia đình ông Nguyễn Minh Hùng, thôn Tân Tiến, xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn hiến 1.071m2 đất và hơn 103 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn; hộ gia đình ông Nguyễn Văn Long, thôn Trục Trì, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa hiến 1.000 m2 đất làm đường giao thông nông thôn; hộ gia đình Nguyễn Văn Khuynh, thôn Hưng Long, xã Thành Long, huyện Hàm Yên hiến 875m2 đất làm cầu trên đường giao thông nông thôn…

Diện mạo nông thôn đổi thay.

Kết quả bê tông hóa đường giao thông nông thôn, cầu trên đường giao thông nông thôn đã tạo một diện mạo mới về hạ tầng giao thông toàn tỉnh. Từ chỗ toàn tỉnh chỉ có 59,45% đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa và cấp phối, 40,55% là đường đất, phần lớn các tuyến đường đều thiếu hệ thống rãnh dọc, cống thoát nước ngang, về mùa mưa nhiều tuyến đường lầy thụt, hay bị xói lở, trôi đứt đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, chưa đáp ứng được nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác quốc phòng - an ninh, nhu cầu vận chuyển nông sản, hàng hóa và giao lưu đi lại của nhân dân, đến nay (30/10/2022) hơn 68,02% các tuyến đường nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được bê tông hóa; vượt mục tiêu Nghị quyết 1 năm về tiến độ và đạt trên 44% kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.


Kết quả to lớn mà Đề án bê tông hóa giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn mang lại chính là động lực cơ bản để phát triển nông thôn và là tiền đề để xây dựng chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại diện mạo mới cho vùng nông thôn của tỉnh Tuyên Quang. Giao thông đã có những tác động trực tiếp và gián tiếp tới các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng nhanh và bền vững. Qua đó lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn có sự chuyển dịch mạnh nhờ sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, trong đó giao thông nông thôn chính là yếu tố quan trọng làm nên những kết quả trên. Từ đó, thị trường nông thôn được mở rộng, kích thích người nông dân tăng gia sản xuất, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thu nhập của các hộ dân tăng, đời sống được nâng lên, góp phần thắng lợi vào mục tiêu giảm nghèo bền vững ở nông thôn.

Thành công của Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 20/11/2020 của HĐND tỉnh Tuyên Quang thông qua Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025 không chỉ làm thay đổi hoàn toàn hệ thống giao thông nông thôn, đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho vùng nông thôn. Nghị quyết còn là động lực to lớn để phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết vùng, miền trong quá trình phát triển, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn./.

Phòng Dân nguyện - Thông tin và Tuyên truyền

Tin cùng chuyên mục