Vượt qua thách thức

Những năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đứng trước những khó khăn, thách thức lớn song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh quyết tâm cao thực hiện hiệu quả các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm nghị quyết đề ra. Đây là nhiệm kỳ các nghị quyết chuyên đề, đề án, chương trình trong nhiều lĩnh vực được ban hành từ rất sớm. Đến thời điểm hiện tại, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành 3 nghị quyết, 1 đề án; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 2 nghị quyết, 1 đề án; Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành 9 đề án về phát triển kinh tế - xã hội để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nhất là các khâu đột phá.

Nông nghiệp phát triển đúng hướng

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh chuyển dịch sang sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 128 sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận OCOP, được người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận; có 3 sản phẩm (Cam sành Hàm Yên, chè Shan tuyết Na Hang, bưởi Soi Hà) được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, cam Hàm Yên là một trong 50 trái cây ngon nhất Việt Nam; chè hữu cơ Shan Tuyết Hồng Thái, chè đặc sản Vĩnh Tân, cá lăng được bình chọn “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”; chè Bát Tiên Mỹ Bằng, mật ong Tuyên Quang được “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”; bưởi Xuân Vân đứng TOP 10 Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng.


Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chứng kiến lễ khánh thành cầu Cây Quýt, xã Thành Long, huyện Hàm Yên. Ảnh: Thanh Phúc.

Toàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như 8.240 ha cam, 5.270 ha bưởi, 8.370 ha chè (đứng thứ 4 khu vực phía Bắc), trên 7 nghìn ha rau, củ, quả. Trong chăn nuôi đã phát triển theo hướng trang trại, gia trại.

Những năm gần đây kinh tế lâm nghiệp có bước phát triển nhanh, bền vững. Giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh trồng rừng tập trung trên 56 nghìn ha, bình quân trồng trên 11 nghìn ha/năm, đứng thứ 2 khu vực miền núi phía Bắc, khai thác gỗ rừng trồng bình quân 845.000 m3/năm, đứng thứ nhất các tỉnh miền núi phía Bắc, đứng thứ 5 so với cả nước.

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã thu hút đầu tư hàng chục dự án phát triển sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản với tổng số vốn cam kết trên 10.000 tỷ đồng. Hiện có 98 doanh nghiệp đang trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản, tạo việc làm cho khoảng 30.000 lao động/năm. Hiện có 98 doanh nghiệp đang trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản, tạo việc làm cho khoảng 30.000 lao động/năm.

Du lịch khởi sắc

Thực hiện một trong 3 khâu đột phá Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu với BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 29 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; tham mưu ban hành Nghị quyết số 09 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh và Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.


Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công trình đường giao thông tại thôn Pác Hóp,
xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa. Ảnh: Việt Hòa.

Đồng chí Âu Thị Mai, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, ngành đã chủ động tham mưu đồng bộ các giải pháp quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch, qua đó đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch, năm 2022, Tập đoàn Flamingo đã khởi công Dự án Làng Văn hóa du lịch gắn với phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao quy mô cấp tỉnh, khu vực, toàn quốc, nổi bật là Lễ đón nhận Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2022, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với Tuyên Quang.

Những nỗ lực và quyết tâm của tỉnh đã mang lại kết quả khởi sắc và kỳ vọng rất lớn trong phát triển du lịch. Chỉ tính trong 10 tháng năm 2022, toàn tỉnh đã thu hút hơn 2 triệu lượt khách du lịch, tăng 97,3% so với cùng kỳ, doanh thu xã hội từ du lịch đạt trên 2 nghìn tỷ đồng, tăng 103,9% so với cùng kỳ.

Hạ tầng phát triển đồng bộ, theo hướng hiện đại

Hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, theo hướng hiện đại. Đến nay, đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang triển khai thi công xây dựng. Đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh đã được Chính phủ cân đối, bố trí vốn để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều tuyến quốc lộ, tuyến đường tỉnh được triển khai đầu tư xây dựng. Các trục đường kết nối quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và du lịch được đầu tư xây dựng. 

Hạ tầng băng rộng cáp quang, kết nối Internet đã được phủ đến 100% xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh đã lắp đặt 65 trạm phát sóng nhằm mở rộng vùng phủ, nâng cao chất lượng lượng dịch vụ; đảm bảo 100% các thôn, xóm trong tỉnh có kết nối Internet.

Kết quả thực hiện ba khâu đột phá trong nửa nhiệm kỳ thực sự là những kết quả ấn tượng, là bứt phá ngoạn mục góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt khá cao so với các tỉnh trong khu vực. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 5,67% (đứng thứ 4/11 tỉnh miền núi phía Bắc và đứng thứ 26/63 tỉnh, thành phố). Trong 10 tháng năm 2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,63% so với năm 2021. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,93%, công nghiệp và xây dựng tăng 14,66%, dịch vụ tăng 7,09%...

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục