Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin tỉnh Tuyên Quang

Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, nhiệm kì 2020 - 2025 đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại là một trong ba khâu đột phá, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Tính đến năm 2020, 100% đường Quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, 87,64% đường tỉnh, 98,71% đường đô thị, 59,26% đường huyện và 70,21% đường xã, trục thôn được cứng hóa; triển khai đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Hệ thống đô thị phát triển tương đối nhanh, trong đó: Thành phố Tuyên Quang đạt tiêu chí đô thị loại III, trung tâm 06 huyện còn lại đạt tiêu chí đô thị loại V.  Hạ tầng công nghệ thông tin phát triển khá sâu rộng, đồng bộ, chất lượng ngày càng được nâng lên; việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác, học tập, kinh doanh, sản xuất trong khối cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân phát triển mạnh...


Đoạn đường từ trung tâm thành phố Tuyên Quang đi Quốc lộ 37 (Ảnh: nguồn Internet).

Tuy nhiên, tính đồng bộ, hiện đại, kết nối của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin chưa cao; ứng dụng công nghệ hiện đại chưa nhiều; lợi thế của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin chưa được khai thác hiệu quả, vẫn là "điểm nghẽn" không nhỏ cho sự phát triển của tỉnh. Do đó, để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, khai thông "điểm nghẽn", ngày 22/6/2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TU về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 nhằm tạo sự đột phá cho sự phát triển của địa phương.

Sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, kết quả đầu tư, xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai phấn đấu thông xe kĩ thuật vào tháng 9/2023; chuẩn bị khởi công dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1); đầu tư xây dựng đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi Trung tâm huyện lị Yên Sơn, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2023; xây dựng cầu Trắng 2 qua sông Phó Đáy, đi khu du lịch Quốc gia đặc biệt Tân Trào, dự kiến hoàn thành trong năm 2023; xây dựng cầu qua sông Lô Km71 đường Tuyên Quang - Hà Giang đi xã Bạch Xa, huyện Hàm Yên và cầu Xuân Vân vượt sông Gâm, huyện Yên Sơn, dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Các tuyến đường Hồ Chí Minh và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2C (đoạn qua tỉnh Tuyên Quang); đường trục phát triển các huyện Sơn Dương, Hàm Yên; bổ sung quy hoạch và thực hiện nâng cấp một số tuyến đường tỉnh lên Quốc lộ, đường huyện lên đường tỉnh; thực hiện quy hoạch cảng cạn, đường sắt, sân bay trên địa bàn tỉnh đang được triển khai cơ bản theo tiến độ. Hoàn thành nhựa hóa, bê tông hóa 976,59/976,59 km đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã; bê tông hóa được 2.969 km đường thôn và hơn 844 km đường nội đồng với phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm", hoàn thành xây dựng 77/77 cầu trên đường giao thông nông thôn theo kế hoạch giai đoạn 2021 - 2022.


Cầu Phai Chốc trên đường giao thông nông thôn, thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình.

Cùng với sự phát triển về hạ tầng giao thông, hệ thống đô thị trong tỉnh đã phát triển, kết nối, hình thành các đô thị động lực, thành phố Tuyên Quang được công nhận là đô thị loại II, tập trung nguồn lực, đầu tư phát triển đô thị theo hướng tiêu chí đô thị loại IV đối với 6/6 thị trấn (các thị trấn: Lăng Can, huyện Lâm Bình; Na Hang, huyện Na Hang; Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hoá; Tân Yên, huyện Hàm Yên; Yên Sơn, huyện Yên Sơn và Sơn Dương, huyện Sơn Dương). Tỷ lệ đô thị hoá là 24,30%, đạt 102,9% Kế hoạch. Chất lượng đô thị được nâng lên, phát huy vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, tài chính, văn hoá, giáo dục, du lịch, y tế, khoa học công nghệ, đầu mối giao thông, là động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.


Thành phố Tuyên Quang được công nhận đô thị loại II.

Hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh từng bước đáp ứng yêu cầu quá trình thực hiện chuyển đổi số. Hoàn thành thực hiện nâng cấp hệ thống thiết bị họp hội nghị truyền hình trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã với 202 điểm cầu; khai trương Trung tâm Hành chính công tỉnh Tuyên Quang, thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 chạy trên nền tảng di động trong lĩnh vực Giao thông, Y tế. Triển khai thực hiện giám sát an toàn an ninh thông tin 4 lớp cho các hệ thống dùng chung của tỉnh đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh và hệ thống công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện; 1.644/1.733 thôn, tổ dân phố sử dụng internet cáp quang, đạt 95%; phủ sóng thông tin di động đến 1.649/1.733 thôn, đạt 95,2%. Thực hiện Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, năm 2022 tỉnh đã tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số cho trên 500 cán bộ lãnh đạo UBND cấp xã, trên 230 công chức của các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã và 2.571 lượt cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị. 100% cơ quan, đơn vị cấp tỉnh có cán bộ chuyên trách, phụ trách công nghệ thông tin; 100% xã, phường, thị trấn và các thôn thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng với tổng số 1.871 tổ, 10.257 thành viên, trong đó trên 10.000 thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng đã được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng.


Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 138 xã, phường, thị trấn về kiến thức chuyển đổi số cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng.  

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thường xuyên rà soát, bổ sung, điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp triển khai hiệu quả các nhiệm vụ liên quan phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và yêu cầu đặt ra của tỉnh. Kịp thời giải quyết vướng mắc, khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng bảo đảm tiến độ thi công, đầu tư các công trình, nhân rộng phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn, tăng cường công tác quản lý đất đai, bố trí quỹ đất tái định cư, giải quyết vướng mắc của Nhân dân về thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các công trình, dự án. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ về phát triển hạ tầng đô thị, nhất là về quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, không chồng chéo. Thực hiện các tiêu chuẩn, hệ thống chỉ tiêu, chỉ số đô thị hoá và phát triển đô thị phù hợp với tiêu chuẩn chung của cả nước; phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh. Tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị động lực, công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh.  

Theo tuyenquang.dcs.vn

Tin cùng chuyên mục