Bước chuyển từ đơn chiều đến đa chiều
UBTVQH vừa tổ chức Hội thảo việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi - Những góc nhìn đa chiều. Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhìn lại việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, để cùng phân tích những kết quả, khó khăn, thách thức khi thực hiện chính sách này. Trong nhiệm kỳ Khóa XIII, QH đã tổ chức “giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo 2005 - 2012” và đến nay, nhiệm kỳ Khóa XIV, QH tập trung hơn, chú trọng hơn vào vùng dân tộc thiểu số, miền núi, với chuyên đề giám sát của UBTVQH về “việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018” bởi lẽ, theo Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi có đến 90% tổng số hộ nghèo thuộc diện “lõi nghèo” là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
“Điểm sáng” trong giám sát của nhiệm kỳ QH Khóa XIII là QH đã ban hành Nghị quyết 76/2014/QH13 đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, trong đó giao Chính phủ xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đây là bước chuyển quan trọng từ nghèo đơn chiều sang nghèo đa chiều. Nếu như nghèo đơn chiều sử dụng phương pháp đo lường theo chuẩn nghèo thu nhập, thì nghèo đa chiều được đo lường bằng mức độ thiếu hụt tiếp cận 5 dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và thông tin. Áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều, đến hết năm 2017, thống kê cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo còn 6,7% (giảm 1,53% so với cuối năm 2016); năm 2018 ước giảm tiếp 1,35%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4,33%, vượt chỉ tiêu 4%/năm. Kiềm chế tái nghèo hiệu quả hơn, tỷ lệ tái nghèo năm 2017 chỉ chiếm 0,03% (24.191 hộ). Số vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững dành cho khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2016 - 2018 đã bố trí là 19.878 tỷ đồng, chiếm 92% tổng số vốn đã giao của cả chương trình.
Đặc biệt đo lường nghèo đa chiều đã chuyển hướng chính sách lấy người nghèo, hộ nghèo làm trung tâm, giúp nhận dạng nghèo chính xác, thiết thực hơn để hoạch định chính sách nghèo phù hợp. Chính sách tín dụng cũng được đánh giá cao khi chúng ta đã bổ sung đối tượng được vay ưu đãi là hộ mới thoát nghèo; cải thiện mức vay phát triển sản xuất lên 50 triệu/hộ. Chất lượng tín dụng tốt, nợ quá hạn thấp (0,42%). Thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, điều hành, đẩy mạnh phân cấp, phát huy vai trò của địa phương. Nhiều địa phương đã chú trọng ban hành, thực hiện có hiệu quả những chính sách riêng có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn, thời hạn thụ hưởng, khuyến khích, phát huy nội lực của hộ nghèo, địa bàn nghèo; hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước.
Vừa thoát nghèo lại tái nghèo?
Tuy nhiên, những thách thức về mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo vẫn đang ở phía trước. Theo Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nhiều huyện nghèo còn tỷ lệ nghèo đậm đặc trên 60% như Điện Biên, Yên Bái. Chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm luôn đạt nhưng chỉ tiêu về số huyện, xã, thôn ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn đạt thấp. Nhiệm vụ rà soát, tích hợp văn bản để chuyển hướng chính sách giảm nghèo sang tiếp cận đa chiều kéo dài đã 3 năm nhưng chưa hoàn thành.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương cho biết, chúng ta còn chạy theo thành tích trong giảm nghèo, thống kê cho thấy giảm nghèo nhanh nhưng nhìn lại 20 năm qua, nhiều vùng dân tộc thiểu số nước ta vẫn chưa thoát nghèo. Vì chưa đi vào giảm nghèo thực chất nên dẫn đến tình trạng vừa thoát nghèo lại nhanh chóng tái nghèo.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cho biết thêm, sự chênh lệch về khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục giữa khu vực đô thị và nông thôn, giữa các nhóm dân tộc và các khu vực chưa được thu hẹp hiệu quả. Nhiều nhiệm vụ chậm tiến độ gây tác động dây chuyền đến hiệu quả chung như chậm phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình mục tiêu có liên quan, chậm giải ngân vốn đầu tư. Việc sử dụng kết quả đo lường nghèo để thiết kế, vận hành các chính sách nhằm tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân còn chưa rõ nét, chưa thể hiện rõ vai trò của các bộ, ngành có liên quan.
Nhấn mạnh giảm nghèo cần được nhận thức đầy đủ với vai trò là một chính sách kinh tế - chính trị - xã hội trọng điểm, đa chiều, liên ngành, có vai trò quyết định đối với mục tiêu thoát bẫy thu nhập trung bình thấp, phát triển thịnh vượng và bền vững của đất nước, Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi đề nghị cần sớm nghiên cứu, hoạch định chiến lược về giảm nghèo, phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030, làm cơ sở cho việc quyết định đầu tư công, phân kỳ đầu tư giai đoạn tới hiệu quả hơn. Tiếp tục kiên trì cách tiếp cận đa chiều, gắn với hoạch định và thực hiện chính sách phát triển vùng theo kết quả đo lường thiếu hụt; thúc đẩy vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành trong thực hiện giải pháp giải quyết diện thiếu hụt của từng vùng. Yếu tố quyết định để chuyển hướng chính sách giảm nghèo giai đoạn tới là phải hoàn thành việc rà soát, tích hợp chính sách; loại bỏ chồng chéo, trùng lặp, phân loại rõ chính sách thường xuyên, chính sách có mục tiêu, có thời hạn.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Trưởng đoàn giám sát của UBTVQH Nguyễn Lâm Thành cũng nêu rõ, trong quá trình giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018, Đoàn giám sát sẽ tách biệt hai quá trình, đó là, từ trước khi có chuẩn nghèo đa chiều và sau khi có chuẩn nghèo đa chiều, để có sự so sánh, đánh giá phù hợp, làm rõ mức độ tiếp cận các công trình về cơ sở hạ tầng, thu nhập mức sống, đời sống văn hóa, tinh thần, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Đoàn giám sát cũng sẽ tập trung đánh giá cơ hội tham gia vào quá trình phát triển từ tỷ lệ số xã được làm chủ công trình, có ban quản lý phát triển giám sát, cộng đồng thôn, bản, được tham gia lập kế hoạch…
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng đoàn giám sát của UBTVQH Hà Ngọc Chiến nêu rõ, kết quả giám sát sẽ giúp rà soát, tổng kết lại việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi; phục vụ cho công tác hoạch định chính sách, đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2026; rà soát các tiêu chí phân định để chính sách tập trung hơn, khoa học, khách quan và công bằng hơn.