Các nghị quyết của Hội đồng nhân dân ban hành đã kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nội dung nghị quyết cơ bản bám sát với tình hình thực tế ở địa phương và có tính khả thi cao, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Năm 2018, HĐND tỉnh đã ban hành 27 nghị quyết; HĐND các huyện, thành phố ban hành 102 nghị quyết , trong đó có những nghị quyết tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hoạt động giám sát của HĐND đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương. Công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, khiếu nại tố cáo của công dân được tăng cường và đem lại hiệu quả tích cực. Mối quan hệ giữa đại biểu với cử tri ngày càng gắn bó chặt chẽ, niềm tin của cử tri đối với Đảng, Nhà nước được nâng lên.
Hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND vừa bảo đảm toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, vì vậy đã có tác động tích cực tới công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền và việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn các cấp. Năm 2018, HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh đã tổ chức 17 cuộc giám sát, 6 cuộc khảo sát, trong đó có 5 cuộc giám sát chuyên đề; HĐND các huyện, thành phố tổ chức được 86 cuộc giám sát, trong đó có 09 cuộc giám sát chuyên đề. Kiến nghị sau giám sát, khảo sát đã được các cơ quan liên quan tiếp thu và tập trung chỉ đạo thực hiện. Các tổ đại biểu đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong hoạt động giám sát, nhất là việc giám sát các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đối với kiến nghị chậm giải quyết, Thường trực HĐND tiếp tục có văn bản nhắc nhở, đôn đốc giải quyết.
Hoạt động giải trình là điểm nhấn mang tính dấu ấn trong hoạt động giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2018. Qua 3 phiên nghe giải trình về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; việc đầu tư, xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh; từ kết luận xác đáng của Thường trực HĐND tỉnh về những hạn chế, nguyên nhân hạn chế, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong; nhiều nội dung, vụ việc đã được UBND tỉnh và các cơ quan, địa phương liên quan tập trung tháo gỡ, giải quyết có kết quả ngay; hoặc đưa ra phương án, lộ trình để giải quyết trong thời gian tới.
Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND giữ vai trò nòng cốt, chủ động trong công tác điều hành và tổ chức thực hiện các hoạt động của HĐND. Thường trực HĐND phát huy tốt vai trò trong việc điều hòa, phối hợp, nhất là trong các hoạt động thẩm tra, giám sát. Các Ban HĐND nêu cao trách nhiệm của mình trong công tác thẩm tra báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp, chủ động rà soát kỹ nội dung, đưa ra những vấn đề còn vướng mắc, chưa đúng quy định của pháp luật để giúp cho đại biểu có thêm thông tin, định hướng trong việc xem xét, thảo luận và quyết định. Sau khi nghị quyết được ban hành, Thường trực và các Ban HĐND thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ việc tổ chức triển khai thực hiện, kịp thời phát hiện và đề xuất biện pháp chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế. Các đại biểu HĐND tăng cường đi thực tế tại địa phương, theo dõi giám sát các cơ quan chức năng trong việc thực hiện quy định của pháp luật, nghị quyết HĐND, việc trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; nghiên cứu sớm các tài liệu, văn bản trình tại các kỳ họp HĐND để tham gia ý kiến thảo luận có chất lượng; tích cực tham gia các hoạt động giám sát, hoạt động tiếp xúc cử tri theo quy định...
Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc thực hiện chức năng quyết định và giám sát của HĐND. Xác định đúng vấn đề cần quyết định để nâng cao hiệu lực, hiệu quả các nghị quyết của HĐND; chương trình ban hành nghị quyết bám sát vào nhiệm vụ chính trị và điều kiện thực tế, khả năng thực hiện của địa phương. Chất lượng công tác thông tin phục vụ cho HĐND ra quyết định được nâng lên; cơ quan tham mưu, giúp việc cho HĐND chuẩn bị tài liệu, văn bản quy định và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho đại biểu HĐND nghiên cứu. Đổi mới công tác điều hành của chủ tọa kỳ họp theo hướng tạo môi trường cho đại biểu phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm tham gia thảo luận, góp ý thẳng thắn về nội dung các đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết; chủ tọa gợi ý, định hướng xem xét những vấn đề còn những ý kiến khác nhau; có báo cáo tóm tắt để trình bày, dành thời gian thỏa đáng cho thảo luận và chất vấn, trả lời chất vấn...
Thường trực HĐND các cấp chủ động xây dựng Quy chế phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp để thực hiện, nhất là việc thống nhất thực hiện một số nội dung như: Dự kiến nội dung, chương trình các kỳ họp, hoạt động tiếp xúc cử tri, chất vấn, giám sát, tổ chức kỳ họp, giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp...
Không ngừng kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức của Văn phòng đảm bảo về số lượng và chất lượng để thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho HĐND, Thường trực, các Ban HĐND. Công tác đào tạo, tập huấn đối với đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc cho HĐND được quan tâm và thực hiện thường xuyên.