Cần những giải pháp hiệu quả trong việc ban hành và thực hiện cơ chế, chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh

Cơ chế, chính sách là một công cụ quan trọng để chính quyền cả ở trung ương và địa phương thực hiện quản lý các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Thông qua một hệ thống cơ chế, chính sách, chính quyền các cấp điều tiết những vấn đề nảy sinh trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương theo những mục tiêu mong muốn, tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển bền vững.

Với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn ban hành nghị quyết để quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, trong đó có việc ban hành các cơ chế, chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội.


Đồng chí Triệu Kim Long, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá cấp cơ sở của đề tài khoa học phát biểu. (Ngày 23/01/2019)

Trong giai đoạn 2004 - 2016, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành 172 nghị quyết quy phạm pháp luật, trong đó có 40 nghị quyết quy định về cơ chế, chính sách (Khóa XVI ban hành 13 Nghị quyết; Khóa XVII ban hành 23 Nghị quyết, năm 2016 ban hành 04 nghị quyết), các Nghị quyết về cơ chế, chính sách chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực: Lĩnh vực kinh tế: 18 nghị quyết; lĩnh vực văn hóa - xã hội: 01 nghị quyết; lĩnh vực nội chính, an ninh, quốc phòng: 21 nghị quyết.Trong giai đoạn này, quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 và Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân. Có thể nói hầu hết các nghị quyết trong giai đoạn này đều được ban hành đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thể thức và kỹ thuật trình bày theo quy định. Các dự thảo nghị quyết được cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về cơ bản nội dung các Nghị quyết này đều đảm bảo phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, hệ thống pháp luật của Nhà nước, trong đó có nhiều chính sách ban hành đã phát huy được hiệu quả thiết thực góp phần vào xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương, như: Chính sách về phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã, cán bộ không chuyên trách ở thôn, xóm, bản, tổ nhân dân và cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ, do Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI ban hành đã thực hiện hỗ trợ về kinh phí cho đông đảo đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã và cán bộ không chuyên trách ở thôn, xóm, bản, tổ nhân dân đã phần nào giúp các đội ngũ cán bộ này yên tâm công tác, ổn định chính trị ở địa phương. Hay như chính sách về bê tông hoá đường giao thông nông thôn giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang do Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI ban hành đã tạo động lực cho nhân dân xây dựng hàng ngàn kilômét đường giao thông nông thôn, với phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn rất rõ rệt...


Đồng chí Hoàng Thị Nụ, Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Chủ nhiệm đề tài khoa học phát biểu tại Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở (Ngày 23/01/2019)

Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì cũng có những chính sách do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế của địa phương dẫn đến việc triển khai thực hiện không đem lại hiệu quả như mong muốn hoặc khó đi vào thực tiễn cuộc sống.Theo Báo cáo giám sát số 18/BC-HĐND ngày 15/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện các Nghị quyết về cơ chế, chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI cho thấy trong nhiệm kỳ 2004 - 2011 Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành 09 Nghị quyết về cơ chế, chính sách, song có đến 02 Nghị quyết chưa phát huy được hiệu quả, thiếu tính thực tiễn, chưa hoặc ít đi vào cuộc sống (Nghị quyết số 99/2006/NQ-HĐND ngày 08/12/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 05/2007/NQ-HĐND ngày 17/07/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh  về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển cây chè, cây mía trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2007 – 2010). Cụ thể như: Nội dung một số chính sách còn chung chung, chưa cụ thể dẫn đến khó triển khai thực hiện; Nghị quyết số 06/2007/NQ-HĐND ngày 17/7/2007 của HĐND tỉnh khóa XVI về chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 49/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII ban hành quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cho phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Một số nghị quyết nội dung quy định về điều kiện được hưởng chính sách còn chưa phù hợp với thực tiễn dẫn đến không có đối tượng đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng chính sách. Ví dụ: Cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển cây chè, cây mía trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2007 - 2010 ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2007/NQ-HĐND ngày 17/7/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI quy định điều kiện được hưởng chính sách như sau:

“- Đối với các hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế phải có diện tích trồng chè, trồng mía từ 20 ha trở lên...  Đối với liên hộ gia đình, hộ gia đình, cá nhân phải có diện tích trồng chè, trồng mía từ 01 ha trở lên …”

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2007 - 2010, trên địa bàn tỉnh không có Hợp tác xã, liên hộ gia đình trồng chè, mía; còn hộ gia đình và cá nhân trồng chè, mía thì không có đủ diện tích 01 ha trở lên dẫn đến chính sách không có đối tượng nào được thụ hưởng.


Đại biểu tham gia phát biểu tại Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở (Ngày 23/01/2019)

Bên cạnh đó công tác ban hành nghị quyết cũng còn một số hạn chế như: Việc lập đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng nghị quyết của các cơ quan chuyên môn còn thiếu chủ động; một số cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản chưa nắm vững quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, lúng túng trong việc xác định nội dung văn bản dẫn đến việc xây dựng dự thảo còn sơ sài, sai trọng tâm; việc khảo sát, đánh giá thực trạng, lấy ý kiến đóng góp của các đối tượng chịu sự tác động còn mang tính hình thức, chưa định hướng nội dung cần tập trung tham gia góp ý; chất lượng tham gia ý kiến của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế; việc gửi tài liệu cho đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nghiên cứu trước khi kỳ họp diễn ra thường bị chậm…

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do trong giai đoạn 2004 - 2016, các quy định của pháp luật về công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân có một số bất cập gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang còn khó khăn, nguồn lực dành cho việc xây dựng, ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách còn hạn chế, dẫn đến nội dung các cơ chế chính sách còn chưa thu hút được sự quan tâm đầu tư của người dân, doanh nghiệp. Một số cơ quan chuyên môn chưa nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò quan trọng của công tác xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung và Nghị quyết quy định về cơ chế, chính sách nói riêng; việc chấp hành quy trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nơi, có lúc còn hình thức; trình độ và kỹ năng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của một bộ phận công chức, viên chức còn hạn chế.

Vì vậy, với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh cần đánh giá rõ thực trạng công tác xây dựng và ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành trong những nhiệm kỳ qua; đánh giá đầy đủ chất lượng của các nghị quyết về cơ chế, chính sách, nêu lên được những ưu điểm và tồn tại hạn chế; xác định nguyên nhân của những tồn tại hạn chế, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp hữu ích để nâng cao chất lượng ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh trong thời gian tới là một nhiệm vụ rất quan trọng. Nhận thức được tầm quan trọng đó, từ năm 2017 Ban Dân tộc của Hội đồng nhân dân tỉnh đã đăng ký và chủ trì thực hiện Đề tài “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả ban hành và thực hiện các nghị quyết về cơ chế, chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang”. Sau một thời gian nghiên cứu, soạn thảo, đến nay Đề tài đã được Ban Dân tộc và nhóm tác giả đưa ra Hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị chuyên môn theo từng lĩnh vực và dần hoàn thiện Đề tài để đưa vào nghiệm thu. Hy vọng sau khi được nghiệm thu và đưa vào ứng dụng, Đề tài sẽ đưa ra được nhiều giải pháp khả thi, có tính mới, tính sáng tạo, phù hợp thực tiễn và có chất lượng cao nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong quá trình ban hành và thực hiện nghị quyết về cơ chế, chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh trong những nhiệm kỳ qua.

Phạm Cường

Tin cùng chuyên mục