“Bàn đạp” trong công tác giảm nghèo

Sau 3 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm 12,43% (từ 27,81% đầu năm 2016 xuống còn 15,38% cuối năm 2018). Kết quả đáng mừng trên cho thấy những giải pháp đồng bộ của tỉnh trong công tác giảm nghèo đã tạo “bàn đạp” để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Đó cũng chính là động lực quan trọng để toàn tỉnh nỗ lực hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 3% mỗi năm.

Hỗ trợ hộ nghèo chiếc “cần câu”

Theo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020), toàn tỉnh có 55.827 hộ nghèo, chiếm 27,81% và 18.050 hộ cận nghèo, chiếm 8,99%. Các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao là Lâm Bình 60,79%; Na Hang 50,08%. Một số xã có tỷ lệ hộ nghèo rất cao như: Xuân Lập, Phúc Yên, Hồng Quang (Lâm Bình) Sinh Long (Na Hang) hơn 80%... Tỷ lệ hộ nghèo cao chủ yếu tập trung tại các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo cao được xác định là do địa hình các huyện vùng cao, các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa chia cắt, nhiều hộ nghèo, cận nghèo còn thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, thiếu phương tiện sản xuất, một số hộ nghèo do trong gia đình có người ốm đau thường xuyên, bệnh tật... Cùng với đó, vẫn còn tình trạng hộ nghèo, cận nghèo chưa có ý thức tự giác, nỗ lực vươn lên, trình độ sản xuất, thâm canh còn hạn chế, chưa chủ động tiếp cận và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng, hiệu quả giống cây trồng, vật nuôi. Một số hộ nghèo còn lười lao động, trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự giúp đỡ của cộng đồng…


Thu hút doanh nghiệp đầu tư tạo việc làm cho người lao động góp phần giảm nghèo bền vững.

Trước thực trạng trên, tỉnh đã đề ra những giải pháp cụ thể và ban hành các văn bản nhằm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo trên địa bàn sát với tình hình thực tế. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các  nghị quyết, kế hoạch, đề án thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đồng thời kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo. Các chính sách hỗ trợ tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, gắn sản xuất nông nghiệp với sản xuất hàng hóa.

Huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư, các chương trình, dự án để lồng ghép thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, sản xuất cây vụ đông; hỗ trợ giống lúa lai, ngô lai cho các hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135; sắp xếp, ổn định dân cư; hỗ trợ trồng rừng sản xuất; hỗ trợ vắc-xin và công tiêm phòng bệnh cho gia súc; khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; khuyến khích phát triển hợp tác xã, kinh tế trang trại, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng; hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao; triển khai tốt các chương trình khuyến nông, khuyến lâm…

Tính từ năm 2016 đến 2018 đã có gần 40 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, làm nhà ở, ổn định cuộc sống. Tỉnh cũng tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất cho trên 100.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo; giải quyết việc làm cho trên 60.000 lao động, trên 5.000 hộ được nhận khoán bảo vệ rừng với kinh phí trên 45 tỷ đồng, trên 300 km kênh mương bằng bê tông đúc sẵn được xây dựng góp phần nâng cao chất lượng tưới tiêu ruộng đồng…

Đồng chí Lê Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, những chủ trương đúng đắn, cụ thể của tỉnh trong công tác giảm nghèo thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân toàn tỉnh nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 3% mỗi năm. Kết quả đạt được đến nay rất khả quan, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 15,38%, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Trong đó, tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân ở các xã thuộc Chương trình 135 và vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 6%/năm, vượt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Đây chính là động lực quan trọng tạo đà để tỉnh ta tiếp tục hoàn thành tốt mục tiêu giảm nghèo trong giai đoạn tiếp theo. 

 


Xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) xây dựng cánh đồng lớn trồng mía, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương.

Giải pháp cho giai đoạn tiếp theo

Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách về công tác giảm nghèo đồng thời thường xuyên rà soát nguyên nhân nghèo để có sự hỗ trợ phù hợp, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” giúp tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo chung của cả nước. Đồng chí Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội khi làm việc với tỉnh đã đánh giá cao Tuyên Quang trong triển khai thực hiện nghiêm túc các chính sách giảm nghèo đến năm 2020. Đồng chí cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn song tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách về xã hội, kịp thời rà soát, phân loại nguyên nhân nghèo của các hộ nghèo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp đồng thời đặc biệt quan tâm đến việc xóa hộ nghèo là gia đình chính sách. Đây là những điều kiện thuận lợi để tỉnh Tuyên Quang tiếp tục triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo trong thời gian tới.

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh cũng gặp phải không ít những khó khăn. Đó là chất lượng giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Một số cấp ủy, chính quyền chưa sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện, giải pháp giảm nghèo chưa cụ thể, có nơi còn mang tính hình thức, việc rà soát, đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo ở một số nơi còn lúng túng; việc xác định nguyên nhân chưa chính xác dẫn đến việc đưa ra các giải pháp giảm nghèo chưa đúng và trúng, chưa phù hợp từng đối tượng và điều kiện của địa phương…

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm xuống 10%, trong đó không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách, tỉnh đã đề ra những giải pháp cụ thể. Trong đó, phát huy cao hơn nữa trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng trong công tác giảm nghèo, coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, lấy kết quả giảm nghèo là tiêu chí để đánh giá tập thể và cá nhân hằng năm. Các cấp, các ngành tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn xã hội trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo.

Chú trọng các biện pháp tuyên truyền, vận động để các hộ nghèo nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng được hưởng lợi từ chương trình giảm nghèo, từ đó chủ động, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh. Tăng cường huy động nguồn lực của toàn xã hội chăm lo công tác giảm nghèo theo phương châm: Nhà nước tạo điều kiện về sinh kế, cộng đồng hỗ trợ còn bản thân người nghèo tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo…

Đồng chí Lý Văn Điều, Chủ tịch UBND xã Đạo Viện (Yên Sơn) cho biết, mục tiêu từ nay đến cuối năm 2020 xã phấn đấu mỗi năm giảm từ 9 đến 10% hộ nghèo, đưa hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn dưới 20%. Để hoàn thành mục tiêu trên, xã đang tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo như: Vốn vay, hỗ trợ đào tạo nghề, phát triển sản xuất... Cùng với đó tích cực phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các buổi tư vấn, tuyển dụng lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động, phấn đấu mỗi năm tạo việc làm mới cho hơn 100 lao động từ đó nâng cao mức thu nhập cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ở các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao như Na Hang, Lâm Bình, việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Trong đó huyện Lâm Bình đã ban hành các đề án, kế hoạch nhằm chỉ đạo giảm nghèo theo từng năm; tăng cường vận động, hỗ trợ người dân trong phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình nuôi trồng cây, con đặc sản của địa phương đồng thời thực hiện hiệu quả Đề án theo Quyết định số 293 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao. Huyện Na Hang đang tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển hoạt động du lịch, khai thác các lợi thế của huyện trong sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng và khai thác khu vực lòng hồ sinh thái để nuôi trồng thủy sản để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 4% mỗi năm…   

Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, chắc chắn chương trình giảm nghèo sẽ đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.     

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục