Hội đồng nhân dân (HĐND) có mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan trong bộ máy nhà nước, với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội theo quy định của luật:
- Đối với Quốc hội: HĐND chịu sự giám sát, hướng dẫn hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình HĐND có trách nhiệm tham gia các hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tại địa phương khi được yêu cầu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền bãi bỏ nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; giải tán HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong trường hợp HĐND đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhân dân.
- Đối với Chính phủ: HĐND chịu sự hướng dẫn và kiểm tra của Chính phủ trong việc thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ có quyền kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp của các nghị quyết của HĐND; quy định các chế độ, chính sách đối với các chức danh của HĐND, giải quyết kiến nghị của HĐND, tạo điều kiện để HĐND thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo luật định.
- Đối với Ủy ban nhân dân (UBND) cùng cấp: UBND là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương do HĐND cùng cấp bầu ra, là cơ quan chấp hành của HĐND, chịu trách nhiệm chủ yếu trong việc triển khai tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND và chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước HĐND cùng cấp. Do vậy, HĐND giám sát các hoạt động của UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp. HĐND bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND và các Ủy viên của UBND cùng cấp.
- Đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị ở địa phương là mối quan hệ phối hợp, đồng thời HĐND còn là đối tượng chịu sự giám sát của MTTQ Việt Nam cùng cấp. Khoản 1 Điều 116 Hiến pháp năm 2013 quy định: “HĐND, UBND thực hiện chế độ thông báo tình hình mọi mặt của địa phương cho MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các tổ chức này về xây dựng chính quyền và phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương; phối hợp với MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân động viên nhân dân cùng Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương”. HĐND có trách nhiệm mời Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam và người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương tham dự các kỳ họp HĐND cùng cấp khi bàn về các vấn đề có liên quan. Tại các kỳ họp của HĐND, HĐND có trách nhiệm nghe thông báo của Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp về xây dựng chính quyền và phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
MTTQ giám sát HĐND trong việc quyết định những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của địa phương và trong việc phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri, của nhân dân.
- Đối với các cơ quan tư pháp cùng cấp, là mối quan hệ giám sát trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập của cơ quan tư pháp.
- Quan hệ giữa HĐND các cấp là mối quan hệ phối hợp, đồng thời là quan hệ giữa chủ thể giám sát và đối tượng giám sát. Theo quy định của Luật, HĐND cấp trên phê chuẩn kết quả bầu cử các chức danh của HĐND cấp dưới trực tiếp, giám sát văn bản của HĐND cấp dưới trực tiếp, có quyền bãi bỏ văn bản trái luật của HĐND cấp dưới trực tiếp, quyết định giải tán HĐND cấp dưới trực tiếp trong trường hợp HĐND đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân. Thường trực HĐND giám sát hoạt động của HĐND cấp dưới; giám sát nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp. HĐND cấp dưới có trách nhiệm báo cáo kết quả công tác với HĐND cấp trên. Đồng thời trong quá trình tổ chức các hoạt động của HĐND nói chung, HĐND cấp trên có thể hướng dẫn hoạt động của HĐND cấp dưới; HĐND cấp dưới phối hợp với HĐND cấp trên trong quá trình HĐND cấp trên thực hiện các hoạt động tại địa phương.
Từ mối quan hệ giữa HĐND với các cơ quan trong bộ máy nhà nước, với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã nêu trên, việc phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, theo đúng quy định của pháp luật giữa các chủ thể sẽ giúp cho mỗi chủ thể phát huy được vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình; góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.