Khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản

Trên địa bàn tỉnh hiện đã phát hiện và xác định được 200 mỏ, điểm mỏ khoáng sản và 86 điểm khoáng sản, điểm biểu hiện khoáng sản thuộc 31 loại khoáng sản khác nhau. Toàn tỉnh đã thu hút 16 nhà máy chế biến khoáng sản và có sử dụng khoáng sản trong sản xuất, bao gồm 1 nhà máy quặng, 1 nhà máy thiếc, 1 nhà máy quặng ăng ti mon, 2 nhà máy mangan, 2 nhà máy cao lanh fenspat, 6 nhà máy barite, còn lại là các nhà máy có sử dụng nguyên liệu như nhà máy xi măng, nhà máy luyện gang thép...

9 tháng năm 2017, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và trình UBND tỉnh cấp tổng số 40 hồ sơ về hoạt động khoáng sản. Qua đó, thẩm định và trình UBND tỉnh cấp 16 giấy phép hoạt động khoáng sản, bao gồm 7 giấy phép thăm dò, 9 giấy phép khai thác. Từ đầu năm đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt tính mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho 9 doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, với tổng số tiền được phê duyệt là trên 26,8 tỷ đồng. Riêng trong quý III-2017 đã phê duyệt tiền cấp quyền đối với 2 doanh nghiệp với tổng số tiền 14,1 tỷ đồng. Trong số này chủ yếu là các doanh nghiệp khai thác cát sỏi, đá vôi, quặng cao lanh - fenspat... 


Dây chuyền nghiền đá của Hợp tác xã khai thác đá vôi Đội Cấn (TP Tuyên Quang).

Ông Phạm Hồng Đăng, Phó Giám đốc Công ty TNHH 27-7 cho biết, hiện đơn vị đã được cấp quyền khai thác mỏ đá vôi tại thôn Đồng Doi, xã Tú Thịnh (Sơn Dương), với trữ lượng trên 1,6 triệu m3, tương đương gần 4,5 triệu tấn. Sau khi được UBND tỉnh tính cấp quyền khai thác khoáng sản với số tiền gần 2,1 tỷ đồng, đơn vị đã nộp lần đầu trên 139,5 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ tiếp tục được thực hiện từ nay đến cuối năm. Các đơn vị khác như Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thanh Giang, Công ty TNHH Thành Sơn Tuyên Quang, Công ty cổ phần Khoáng sản Đông Dương AVA, Hợp tác xã Biển Vinh, Công ty TNHH MTV Tháng Tám, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thành Công, Công ty TNHH Bình Thuận hiện cũng đã nộp lần đầu với tổng số tiền trên 3,9 tỷ đồng. 

Để ngăn ngừa và giảm thiểu những tác động ảnh hưởng đến môi trường từ hoạt động khai thác khoáng sản, đồng thời hạn chế thất thoát tài nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ô nhiễm môi trường, yêu cầu dừng hoạt động để khắc phục hoặc buộc phải chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh đảm bảo môi trường tại khu vực... Từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 7 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tổng số tiền xử phạt là 98 triệu đồng.

Việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là chính sách thiết thực, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đồng thời là tiền đề quan trọng để đầu tư cho hạ tầng cơ sở, an sinh xã hội, cải tạo môi trường và những hệ lụy khác do khai thác khoáng sản gây ra.

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục