Hội Phụ nữ huyện hiện có trên 5.000 hội viên sinh hoạt ở 9 cơ sở hội và 79 chi hội. Khắc phục tình trạng thiếu kiến thức và vốn sản xuất, hội chỉ đạo khai thác mọi nguồn lực, tổ chức tập huấn quản lý kinh tế, khoa học kỹ thuật. Đối với nơi đất sản xuất dồi dào, hội khuyến khích chị em đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây, con là thế mạnh của địa phương vào sản xuất như cây rau bò khai, vịt thả suối, cá hồ, phát triển mô hình kinh tế tổng hợp.
Tại địa bàn không lợi thế về nông nghiệp, hội tăng cường phối hợp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm trong khu công nghiệp, doanh nghiệp địa phương, đẩy mạnh phát triển nghề truyền thống như làm thổ cẩm, dịch vụ homestay, bún khô…, vận động hội xây dựng, phát triển các mô hình liên kết sản xuất, tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo. Các cấp hội tín chấp với Ngân hàng CSXH huyện trên 64 tỷ đồng, giúp cho 2.000 lượt hội viên vay đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất kinh doanh nhằm giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình.
Gia đình chị Lường Thị Khiết, thôn Nà Lầu, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) nuôi lợn đen bản địa theo hướng hàng hóa. |
Hội phụ nữ xã Lăng Can hiện có 933 hội viên tham gia sinh hoạt tại 15 chi hội thôn, bản và trường học. Với đặc thù là xã thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, các hội viên còn gặp nhiều khó khăn về vốn, kiến thức. Bà Nguyễn Thu Thạch, Chủ tịch Hội LHPN xã Lăng Can cho biết: Để giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, Hội Phụ nữ xã đã tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện trên 8 tỷ đồng cho hội viên vay. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tốt công tác vận động hội viên tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Hội còn đẩy mạnh phong trào giúp đỡ các hộ gia đình hội viên nghèo về vốn, ngày công lao động, thăm hỏi động viên khi hội viên gặp khó khăn, đau ốm, từ đó đã giúp cho hội viên nghèo vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, các chi hội đã giúp 271 hộ hội viên thoát nghèo, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ hội viên nghèo xuống dưới 14,1% theo tiêu chí cũ.
Tập trung phát triển kinh tế gia đình được Phụ nữ xã Thượng Lâm chú trọng. Chị Hỏa Thị Hiểm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Hội tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, hội cấp trên và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể liên quan để tích cực vận động chị em tham gia các hoạt động xóa đói, giảm nghèo. Đến nay có gần 24 gia đình hội viên có thu nhập từ 100 - 500 triệu đồng/năm. Các phong trào phụ nữ thi đua phát triển kinh tế ngày càng đi vào chiều sâu. Từ đó đã xuất hiện nhiều gương điển hình có sức lan tỏa như: Chị Nguyễn Thị Giang, chi hội Nà Tông; Trần Thị Hoa, Lộc Thị Loan, chi hội Bản Chợ; Hỏa Thị Quả, chi hội Nà Đông; Nguyễn Thị Bích, chi hội Nà Thuôn…
Chị Nguyễn Thị Giang, chi hội Nà Tông cho biết, để phát triển kinh tế gia đình, chị đã tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đi tham quan các mô hình chăn nuôi ở tỉnh bạn, tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ đầu tư chăn nuôi vịt, cá. Hiện nay chị đang chăn nuôi 10 lồng cá các loại, trên 500 con vịt đẻ trứng và trông coi 60 ha rừng phòng hộ. Từ chăn nuôi, kinh tế gia đình chị Giang đã từng bước phát triển, có thu nhập trên 500 triệu đồng/năm.
Phong trào “phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” do Hội Phụ nữ huyện Lâm Bình phát động trong những năm qua không chỉ làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của phụ nữ mà còn phát huy khả năng sáng tạo của mỗi hội viên trong sản xuất, kinh doanh, giúp nhiều hội viên thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.