Thay đổi tư duy quản lý, sản xuất
Ông Trương Đức Như, thôn 13, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) năm nay đã 65 tuổi. Tham gia trồng chè từ năm 2003, với diện tích vườn chè 5.639 m2, nhưng 2 năm trở lại đây, sau khi đăng ký trở thành hộ nhận khoán với Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm, bản thân ông mới thực sự yên tâm. Gia đình chỉ có 2 vợ chồng già, mọi việc từ bón phân, phun thuốc trừ sâu, thu hái... đều có các tổ dịch vụ của công ty thực hiện hết. Mỗi tháng, ông Như được nhận mức lương gần 6 triệu đồng, điều mà chưa bao giờ ông nghĩ đến khi quyết định gắn bó với cây chè.
Mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững do Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện tại Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm. |
Chị Lê Thị Thu, Đội trưởng đội sản xuất 13+18 cho biết, đội có 75 hộ nhận khoán sản xuất theo mô hình tập trung với công ty, cách làm mới đã tăng thu nhập của người trồng chè lên 30 - 40%, trong khi những người dân làm ngoài lại giảm 20% thu nhập.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp, Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm cho biết, hiện công ty duy trì 2 hình thức sản xuất, là sản xuất theo mô hình tập trung được áp dụng từ đầu năm 2016, với 250 hộ tham gia trên diện tích 150 ha, gồm 3 đội sản xuất là 13 + 18, 16, 17 Kim Phú và sản xuất mô hình gồm 3 đội 12, 14 + 20 và đội 23 Quyết Thắng, với 20 hộ tham gia. Qua 2 năm, sản xuất tập trung cho năng suất bình quân đạt từ 19 tấn/ha trở lên, cao hơn sản xuất mô hình từ 20 - 30%.
Việc sản xuất tại các mô hình tập trung loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật thay thế hoàn toàn bằng chế phẩm sinh học, an toàn với môi trường và người trồng chè. Năm 2018, công ty tiếp tục nhân rộng mô hình ra diện tích hơn 400 ha chè, với gần 600 hộ nhận khoán. Đây cũng là công ty chế biến chè đầu tiên của Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn thực hiện chương trình hợp tác công tư giữa bộ và Tập đoàn Unilever. Hiện mỗi sản phẩm của đơn vị đều được gắn logo “con ếch xanh” - nhãn hiệu của tổ chức Rainforest Alliance về Tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững.
Tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 45 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ có đăng ký kinh doanh chế biến, tiêu thụ chè. Một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Chè Tân Trào, Sông Lô, ngoài vùng nguyên liệu riêng đã mở rộng liên kết với các hộ dân có đất đầu tư trồng, tiêu thụ chè; thành lập các Tổ dịch vụ bảo vệ thực vật nhằm tăng hiệu quả quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên vườn chè, tăng chất lượng chè búp tươi.
Các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp mới cũng chú trọng liên kết xây dựng vùng nguyên liệu để quản lý tốt chất lượng nguyên liệu ngay từ khâu sản xuất nông nghiệp, như: Công ty chè Núi Kia Tăng đầu tư tại xã Hồng Thái (Na Hang); cơ sở sản xuất chè Luận Kỳ, cơ sở sản xuất chè Tuyên Thái liên kết các hộ dân thôn 5, Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên); Hợp tác xã Trung Long liên kết các hộ dân thôn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương); Hợp tác xã Vĩnh Tân liên kết các hộ dân thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương).
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số nhãn hiệu chè được thị trường ưa chuộng như: Vĩnh Tân, Ngân Sơn Trà, Làng Bát, Tân Thái 168, Bát tiên Mỹ Bằng... Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế của tỉnh thì chưa đạt kết quả tương xứng. Phần lớn chè xuất khẩu của tỉnh là chè xuất thô dưới dạng bán thành phẩm, dẫn đến giá trị không cao. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là khu vực Trung Đông, Trung Quốc... giá bán thấp, khoảng 1,5 đến 1,7 USD/kg; chè xanh khoảng 2 đến 2,4 USD/kg.
Nguyên nhân, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là do phần lớn cơ sở chế biến dây chuyền công nghệ, thiết bị cũ kỹ và lạc hậu, nhất là các cơ sở chế biến tư nhân. Tại các vùng trồng chè nguyên liệu có diện tích nhỏ lẻ vẫn có hiện tượng lạm dụng sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học để tăng năng suất, làm giảm chất lượng chè thành phẩm. Hiện chỉ có một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm và vườn chè ở các huyện Hàm Yên, Sơn Dương được chứng nhận VietGAP có thể truy xuất nguồn gốc; 812 ha chè nguyên liệu của hai công ty cổ phần chè được Tổ chức Rainforest cấp chứng nhận chất lượng, trong đó Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm có 412 ha; Công ty cổ phần Chè Tân Trào 400 ha.
Tỉnh ta phấn đấu đến năm 2020 có 8.698 ha, trong đó chè đặc sản là 1.855 ha; diện tích cho thu hoạch sản phẩm là 7.968 ha. Năng suất chè bình quân đạt 89 tạ/ha. Trong số này có 490 ha chè ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến. Để nâng cao giá trị ngành chè, giải pháp của ngành Nông nghiệp tỉnh hiện nay là khuyến khích các cơ sở, các địa phương thay đổi tư duy sản xuất, quản lý đối với loại cây trồng này. Trong đó, chú trọng thúc đẩy thành lập các tổ nhóm, hợp tác xã kiểu mới sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ chè; xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; mở rộng các mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững... Riêng diện tích trồng mới chè đặc sản đến năm 2020 là 260 ha; trồng thay thế diện tích chè già cỗi, năng suất thấp là 655 ha; xây dựng thêm ít nhất 30 ha chè theo mô hình sản xuất an toàn.