Yên Sơn bứt phá phát triển nông nghiệp hàng hóa

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Sơn khóa XXII nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa là nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ. Cụ thể hóa Nghị quyết, ngay sau Đại hội, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Sơn chỉ đạo UBND huyện thành lập Ban chỉ đạo sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa, xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm.

Người dân xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) thu hoạch chè.

Theo đó, căn cứ vào lợi thế, các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của từng địa phương, huyện đã quy hoạch thành 4 vùng sản xuất gồm: Vùng thượng huyện với các sản phẩm chủ lực như bưởi, chuối, hồng không hạt, mía nguyên liệu, dong riềng và cá lồng trên sông; vùng ATK với các sản phẩm gỗ rừng trồng, chăn nuôi đại gia súc và nuôi ong lấy mật; vùng hạ huyện có các sản phẩm như chè, chăn nuôi bò thịt, bò sữa, lợn, gia cầm, cá thịt, cá giống, lúa đặc sản; vùng trung tâm huyện có các sản phẩm chè, mía nguyên liệu, cây ăn quả, gỗ rừng trồng, lợn, nuôi ong lấy mật. Qua hơn 2 năm thực hiện nghị quyết, sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện đã thực sự bứt phá.

Nổi bật trong việc phát triển nông nghiệp hàng hóa là huyện đã quy hoạch phát triển cây bưởi ở 13 xã ở trung và thượng huyện. Huyện đã lồng ghép các nguồn vốn phát triển kinh tế như vốn hỗ trợ sản xuất, vốn hộ nghèo, vốn 135 hỗ trợ người dân giống cây trồng để mở rộng diện tích trồng, chăm sóc bưởi, hình thành vùng bưởi đặc sản như Bưởi ngọt Soi Hà. Hiện nay toàn huyện có trên 1.300 ha cây ăn quả, chủ yếu là bưởi ngọt, mang lại giá trị kinh tế hàng nghìn tỷ đồng, giúp hàng chục nghìn hộ dân có nguồn thu ổn định. 

Xuân Vân có tới 700 ha bưởi với khoảng hơn 800 hộ trồng bưởi kinh doanh. Nhà ít thì vài sào, nhà nhiều có vài héc ta. Số hộ có thu nhập 500 - 600 triệu đồng/năm chiếm tới 60% số hộ trồng bưởi. Ông Tô Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Xuân Vân cho biết, bưởi đường đã mang lại đời sống ấm no cho người dân địa phương. Đặc biệt, từ khi bưởi Xuân Vân được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể thì giá trị thu nhập của cây bưởi ngày càng được nâng cao. Quy hoạch ban đầu chỉ có 400 ha nhưng hiện diện tích đã lên quá 700 ha. UBND xã khuyến cáo bà con không trồng tràn lan các loại giống bưởi khác mà tập trung vào giống bưởi chủ lực đã làm nên thương hiệu.


Gia đình chị Đặng Thị Hương (áo trắng) thôn Phai Đá, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) phát triển cây bưởi ngọt theo hướng hàng hóa.

Cùng với cây bưởi, cây chè đã được nông dân các xã phát triển theo hướng tập trung và nâng cao giá trị. Ông Đỗ Văn Dậu, Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng cho biết, cụ thể hóa nghị quyết của Đảng ủy về nâng cao giá trị và chất lượng cây chè, UBND xã xây dựng kế hoạch vận động nhân dân thay đổi cơ cấu giống chè. Những giống chè già cỗi, năng suất thấp trước đây đã được thay thế bằng giống chè mới có chất lượng tốt và năng suất cao. Ngoài ra, xã khuyến khích nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chăm sóc chè theo quy trình VietGAP để nâng cao giá trị của sản phẩm.

Đặc biệt, với lợi thế trên địa bàn có Nhà máy chè Mỹ Lâm, xã khuyến khích, vận động nhân dân liên doanh liên kết với các doanh nghiệp chế biến, hình thành vùng sản xuất chuyên canh. Qua đó, người dân có điều kiện áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chế biến chè, sản phẩm chè búp tươi thu hoạch tới đâu được nhà máy thu mua đến đó. Hiện xã Mỹ bằng có gần 700 ha chè, sản lượng mỗi năm đạt khoảng 10.000 tấn chè búp tươi, doanh thu khoảng 50 tỷ đồng, cây chè ở đây không chỉ giúp người dân có việc làm, thu nhập ổn định.

Gia đình Anh Hoàng Văn Khôi, thôn Ngòi là một trong những hộ gia đình phát triển cây chè có hiệu quả của xã. Với 0,6 ha đất đồi, năm 2.000 anh chuyển đổi từ trồng các loại cây có giá trị kinh tế thấp sang trồng chè, mỗi lứa gia đình anh cho thu hoạch bình quân 2 - 3 tấn chè búp tươi. Mỗi năm cũng cho thu hoạch khoảng 10 tấn, doanh thu từ cây chè đạt từ 80 - 100 triệu đồng/năm. 

Bên cạnh cây chè, cây bưởi thì cây gỗ rừng trồng đang đem lại cho người dân nguồn thu lớn. Ông Nguyễn Mạnh Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Chân Sơn khẳng định, phát huy hiệu quả kinh tế rừng, Đảng bộ xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 trong đó xác định nâng cao hiệu quả kinh tế rừng. Sau 2 năm thực hiện nghị quyết, xã có tổng 1.600 ha rừng, trong đó có trên 1.000 ha rừng sản xuất, tăng hơn 400 ha so với năm 2015.

Với những giải pháp cụ thể trong việc lãnh đạo phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa, đến nay, huyện đã hình thành vùng chè 2.893,1 ha; vùng mía 2.656 ha; vùng cây ăn quả trên 1.249 ha; cây lâm nghiệp trên 30.000 ha. Hiện nay huyện tập trung xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Theo đó, toàn huyện đã có một số sản phẩm nông nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận hàng Việt Nam chất lượng cao gồm: Chè bát tiên Mỹ Bằng, Chè xanh Tháng 10, Bưởi Soi Hà, Gạo chất lượng cao Kim Phú, Miến dong Hợp thành, Miến dong Hảo Hán, Gà chất lượng cao, Rượu men lá Tiến Huy. Đây là cơ sở, là tiền đề quan trọng để huyện phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân hằng năm từ 7 đến 8%; tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 4%/năm; phấn đấu năm 2020, Yên Sơn là huyện có kinh tế khá của tỉnh.  

Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục