Thành tựu và thách thức
Sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, công tác BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến đáng kể, nhận thức của người lao động được nâng lên rõ rệt. Sự chủ động phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể với cơ quan BHXH trong công tác tuyên truyền, vận động, trong phối hợp triển khai công tác thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và trong giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp luôn kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người lao động và nhân dân.
Bà Hà Thị Nhung, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, cụ thể hóa Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, BHXH tỉnh đã tập trung thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ bản như: Tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện hiệu quả việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn; tăng cường hoạt động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Việc mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT năm sau luôn tăng cao hơn năm trước, vượt chỉ tiêu giao, đặc biệt về lĩnh vực BHYT.
Cụ thể, tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh tăng qua 5 năm, năm 2012 đạt 89,14%, đến năm 2015 là 92,29% và năm 2016 là 93,29%; ước thực hiện năm 2017 là 96,84% so với tổng dân số, vượt 2,54% so với chỉ tiêu theo Quyết định 1167/QĐ-TTg, ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020.
Đại diện lãnh đạo BHXH tỉnh và BHXH thành phố Tuyên Quang bàn giao sổ BHXH cho người lao động của Công ty TNHH Hiệp Phú. |
Tuy thành quả đạt được sau 5 năm đã tạo những chuyển biến tích cực trong đảm bảo an sinh xã hội, nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức không nhỏ, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết số 21 đề ra. Mục tiêu về BHXH và BH thất nghiệp chưa đạt, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Nghị quyết: Lực lượng lao động tham gia BHXH chiếm 12,79% trên tổng số lao động, trong khi mục tiêu Nghị quyết là khoảng 50%; lao động tham gia BH thất nghiệp đạt 10,83% trên tổng số lao động, còn mục tiêu Nghị quyết là khoảng 35%.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đa phần lực lượng lao động tự do trên địa tỉnh chưa tham gia BHXH tự nguyện, việc tuyên truyền đến các đối tượng này cũng gặp không ít khó khăn. Ông Hà Tiến Triển, Giám đốc BHXH huyện Lâm Bình nói, tỷ lệ người lao động trên địa bàn huyện tham gia BHXH chỉ đạt gần 10%. Tuy tỷ lệ này vẫn tăng qua từng năm nhưng tăng rất chậm. Do là huyện vùng cao nên người dân còn hạn chế về thu nhập để có thể tham gia đóng BHXH, cùng với đó là người dân chưa thực sự hiểu về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT khi đây là một trong những trụ cột của hệ thống an sinh xã hội.
Khó khăn thứ 2 là các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH cho người lao động còn phổ biến. Nợ đọng BHXH tuy có được khắc phục nhưng tỷ lệ nợ vẫn ở mức cao: Năm 2012 là 3,47%, năm 2013 là 7,27%, năm 2014 là 4,86%, năm 2015 là 2,43%, năm 2016 là 3,95%; 9 tháng năm 2017 là 3,63% so với tổng số phải thu do BHXH Việt Nam giao.
Trong những tháng đầu năm 2017, tình trạng nợ BHXH còn diễn ra tại nhiều đơn vị sử dụng lao động, trong đó có cả một số đơn vị hành chính sự nghiệp với số tiền khá lớn, có đơn vị nợ với thời gian kéo dài. Tính đến 31-3, toàn tỉnh còn 683/3.243 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với tổng số tiền 48,209 tỷ đồng; trong đó số đơn vị nợ khó có khả năng thu hồi là 51 đơn vị với tổng số nợ là 21,328 tỷ đồng. Việc nợ tiền ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của người lao động.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức và trách nhiệm của một số doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động và người lao động trong tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp chưa tốt. Một số chủ sử dụng lao động cố tình không tham gia BHXH, BHYT cho người lao động hoặc chỉ tham gia cầm chừng, mang tính đối phó; một số khác cố tình chiếm dụng, không trích đóng, để nợ đọng BHXH, BHYT số tiền lớn, thời gian kéo dài.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Chỉ còn 3 năm để ngành BHXH hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị đề ra. Trước những khó khăn và thách thức, BHXH tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục để tiếp tục phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện sâu rộng Nghị quyết số 21.
Để tăng tỷ lệ người lao động tham gia BHXH tự nguyện, BH thất nghiệp, BHXH tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, chú trọng ký kết các quy chế, chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Trong 9 tháng năm 2017, BHXH tỉnh đã phối hợp với Ban Chấp hành Tỉnh đoàn và chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố tổ chức 39 hội nghị tuyên truyền Nghị quyết số 21 và tư vấn, đối thoại, tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT cho gần 8.000 đối tượng là hội viên hội nông dân, phụ nữ, đoàn viên thanh niên và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Đại diện các đơn vị sử dụng lao động trao đổi tại Hội nghị tuyên truyền, tư vấn, đối thoại trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh năm 2017. |
Trong chương trình công tác hằng năm, BHXH tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ thuộc BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thành phố bằng việc cụ thể hóa từng nội dung, chỉ tiêu cụ thể về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. BHXH tỉnh giao Phòng Khai thác và Thu nợ là đầu mối theo dõi, tham mưu đánh giá việc tổ chức, thực hiện các chỉ tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của BHXH các huyện, thành phố.
Chị Hà Thị Hương Lành, xã Minh Quang (Chiêm Hóa) là nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT hộ gia đình mới của năm 2017 chia sẻ, việc thực hiện thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình qua hệ thống đại lý thu ở các xã, phường, thị trấn đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho ngành BHXH phát triển, tăng số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Từ đó, góp phần đảm bảo mục tiêu mà Nghị quyết số 21 đề ra vào năm 2020.
Đối với công tác giải quyết nợ đọng BHXH, thực hiện kết luận phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh nghe giải trình việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh, BHXH tỉnh đã tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ đóng, trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT của các đơn vị sử dụng lao động đối với người lao động để yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động tham gia đầy đủ BHXH, BHYT.
Bảo hiểm xã hội tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tỉnh gồm Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động, Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh, Cục Thi hành án, Ban quản lý các khu công nghiệp, Hội Nông dân tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Tỉnh đoàn, Ủy ban MTTQ tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác thu hồi nợ đọng, hoàn thiện hồ sơ và tiến hành thực hiện khởi kiện ra tòa án đối với các đơn vị chây ỳ nợ BHXH, BHYT theo quy định.
Đến thời điểm này, tình trạng nợ đọng BHXH của các đơn vị hành chính sự nghiệp đã giảm 80% so với thời điểm báo cáo HĐND tỉnh. BHXH tỉnh cũng đã hoàn thiện hồ sơ gửi Liên đoàn Lao động tỉnh để triển khai khởi kiện 25 doanh nghiệp chây ỳ nợ BHXH, BHYT. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp nợ với số tiền lớn và kéo dài như: Công ty cổ phần Chế biến Lâm sản Tuyên Quang nợ 85 tháng với số tiền 5,234 tỷ đồng, Công ty cổ phần Xây dựng Thủy lợi nợ 71 tháng với số tiền 1,483 tỷ đồng, Công ty TNHH Công đoàn Quang Minh nợ 17 tháng với số tiền 168 triệu đồng, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hòa An nợ 12 tháng với số tiền trên 400 triệu đồng…
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ cơ sở dữ liệu, thực hiện trả sổ BHXH cho người lao động, cấp thẻ BHYT đảm bảo kịp thời, thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết thủ tục hành chính về BHXH, BHYT.
Mong rằng với những kết quả đã đạt được và những nỗ lực trong thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020 đã đề ra, góp phần củng cố và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.