Xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) triển khai khôi phục, chọn lọc đàn vịt bầu giống. |
Huyện đã tập trung lãnh đạo việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể phát triển những cây trồng, vật nuôi chủ lực có thế mạnh của huyện như lạc, mía, cam, chuối tây, gỗ nguyên liệu, con trâu, cá đặc sản... Đến nay các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã lựa chọn cho mình cây trồng vật nuôi chủ lực để vận động nhân dân tập trung phát triển thành sản phẩm hàng hóa như: tại các xã Hòa Phú, Yên Nguyên sản xuất lúa chất lượng cao; sản xuất mía nguyên liệu ở xã Tân Thịnh, trồng cam tại các xã Hà Lang, Trung Hà; chăn nuôi Vịt Bầu ở xã Hùng Mỹ, Yên Lập; trồng chuối tây ở các xã Kim Bình, Tri Phú... Nhờ đó, cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có sự chuyển dịch theo hướng khai thác tốt tiềm năng và lợi thế từng địa phương.
Lạc là cây trồng được lựa chọn để trở thành nông sản hàng hóa sớm nhất ở huyện Chiêm Hóa. Theo thống kê, toàn huyện có trên 2.700 ha lạc, sản lượng hàng năm trên 8.500 tấn; giá trị sản xuất đạt trên 150 tỷ đồng. Các vùng trồng lạc tập trung lớn ở các xã Phúc Sơn, Minh Quang, Tân Mỹ, Hùng Mỹ, Xuân Quang. Huyện đã triển khai phương án sản xuất lạc giống L14 (cấp nguyên chủng) để nhân rộng trong sản xuất; xây dựng Đề án phát triển vùng lạc hàng hóa tập trung trong giai đoạn 2017-2020; triển khai kế hoạch sản xuất lạc giống vụ đông 2017 với quy mô trên 50 ha, từng bước tái cơ cấu về thời vụ, hình thành vùng trồng lạc giống vụ đông, cung cấp giống tốt phục vụ cho sản xuất và tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất, nâng cao giá trị nhãn hiệu tập thể Lạc Chiêm Hóa.
Ông Chẩu Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sơn cho biết: Tổng diện tích lạc toàn xã hiện nay là 704 ha. Để tiếp tục phát triển sản phẩm lạc hàng hóa của địa phương, Đảng ủy đã triển khai nhiều biện pháp lãnh đạo nâng cao năng suất, sản lượng loại cây trồng này. Trong đó, xã đã thực hiện chọn lọc, nhân giống lạc thuần chủng, tổ chức cho một số hộ trồng lạc tiêu biểu đi học tập kinh nghiệm sản xuất lạc ở một số tỉnh như Bắc Giang, Hà Tĩnh. Đây là cơ sở để Đảng bộ xã chỉ đạo chính quyền, MTTQ, các đoàn thể tuyên truyền vận động nhân dân triển khai biện pháp kỹ thuật gieo trồng mới này.
Phát triển chăn nuôi trâu cũng đang là hướng đi mà nhiều địa phương trên địa bàn huyện lựa chọn. Tại xã Vinh Quang, địa phương có truyền thống chăn nuôi trâu, đến nay việc nuôi trâu trên địa bàn này đã được phát triển theo hướng mới là liên kết chuỗi chăn nuôi trâu an toàn sinh học. Hiện nay, trên địa bàn xã có hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Quang và nhiều hộ dân phát triển chăn nuôi trâu vỗ béo, trên cơ sở liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành (TP Tuyên Quang). Theo đó, hợp tác xã cung cấp trâu giống để các hộ dân nuôi vỗ béo, trên cơ thỏa thuận hợp đồng với hợp tác xã và các hộ dân. Đây là hướng đi mới, hiệu quả trong phát triển chăn nuôi ở Vinh Quang và của huyện Chiêm Hóa.
Ở xã vùng cao Linh Phú, Đảng ủy xã đã lựa chọn cây chè để phát triển sản phẩm chè sạch. Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Phan Thị Nguyệt, diện tích chè của toàn xã là 26,9 ha, trong đó diện tích chè cho thu hoạch 7 ha, năng suất đạt 50 tạ/ha, sản lượng 35 tấn/năm. Diện tích chè trồng mới là 4,7 ha. Giá bán 1 kg chè khô từ 150.000 - 200.000 đồng. Mục tiêu cụ thể mà xã đề ra trong giai đoạn 2017-2021 là quy mô sản xuất 77,7 ha chè, trong đó đầu tư trồng mới 50,8 ha; thâm canh trên diện tích 26,9 ha chè hiện có. Đến năm 2025 ổn định quy mô sản xuất trên 70 ha, năng suất bình quân đạt trên 15 tấn/ha, tổng thu đạt trên 120 triệu đồng/ha/năm.
Việc Đảng bộ Chiêm Hóa chủ động chỉ đạo các địa phương lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế để tập trung phát triển đã góp phần thay đổi tư duy phát triển sản xuất của người dân, từng bước hình thành các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của huyện. Đây là cơ sở quan trọng để huyện triển khai thực hiện chương trình mỗi huyện một đến hai sản phẩm, mỗi xã một sản phẩm chủ lực do tỉnh phát động.