Xác định giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững nên trong những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tìm kiếm việc làm. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 66.618 lao động, đạt trên 66% mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
Trung tâm Dịch vụ - Việc làm tỉnh phối hợp với huyện Lâm Bình và các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức phiên giao dịch việc làm huyện Lâm Bình năm 2018. |
Nâng cao chất lượng lao động
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra mục tiêu giải quyết việc làm cho trên 100.000 lao động trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện mục tiêu này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, các cấp, các ngành, các huyện, thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc các chính sách của Đảng và Nhà nước trong hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo, lao động là dân tộc thiểu số. Đồng thời, tăng cường công tác hướng nghiệp trong học sinh, nhờ đó xu thế học sinh lựa chọn học nghề ngày càng tăng. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ học sinh lớp 12 đăng ký học xong THPT đi học nghề hoặc đi làm ngày càng cao, từ năm 2016 đến nay luôn chiếm từ 57 đến 64% trong tổng số thí sinh dự thi THPT quốc gia. Điều này cho thấy, công tác hướng nghiệp tại các trường học đã phát huy hiệu quả rõ rệt.
Hiện nay, toàn tỉnh có 15 cơ sở đào tạo nghề, đào tạo cho khoảng 8.000 đến 9.000 lao động mỗi năm với xu hướng đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội, hoạt động liên kết với các doanh nghiệp được đẩy mạnh để tăng cơ hội có việc làm ngay cho học viên sau khi ra trường. Các cơ sở đào tạo nghề đã từng bước đổi mới phương pháp dạy học gắn lý thuyết với thực hành, đảm bảo học viên sau khi đào tạo đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Ông Lộc Văn Quang, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang cho biết, mỗi năm trường đào tạo nghề cho trên 1.200 học viên, tỷ lệ học viên có việc làm sau khi ra trường đạt trên 90%. Tính từ năm 2015 đến nay, nhà trường đã ký kết với các doanh nghiệp đào tạo từ đầu, đào tạo nâng cao tay nghề cho hàng trăm lao động, công nhân các công ty trên địa bàn tỉnh… Việc liên kết trong đào tạo đã giúp tiết kiệm chi phí, tạo thuận lợi cho người lao động về mọi mặt. Hầu hết các học viên học xong đều đạt yêu cầu của nhà tuyển dụng và được bố trí việc làm ngay với mức lương ổn định.
Công ty cổ phần Woodsland đầu tư nhà máy chế biến gỗ tại tỉnh Tuyên Quang từ năm 2015 tạo việc làm ổn định cho hơn 600 lao động địa phương. |
Cùng với đó, tỉnh đã thực hiện hiệu quả Đề án của Thủ tướng Chính phủ “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện Đề án, trên địa bàn tỉnh có hơn 30.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề, tỷ lệ lao động có việc làm sau khi đào tạo đạt trên 70%. Các lao động sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức đã học vào phát triển kinh tế góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.
Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm tại tỉnh được quan tâm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có uy tín trong cả nước đến tuyển dụng lao động đi làm việc. Hàng năm, Trung tâm Dịch vụ - Việc làm tỉnh đều phối hợp với các huyện, thành phố và các doanh nghiệp tổ chức các phiên giao dịch việc làm thu hút lao động đến tìm kiếm cơ hội việc làm. Chị Nguyễn Thị Vui, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) chia sẻ, thông qua phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ - Việc làm tỉnh tổ chức chị nắm được thông tin Nhà máy may Tuyên Quang tuyển dụng lao động và nộp hồ sơ xin vào đây làm việc. Chị đã được Công ty đưa đi đào tạo, hiện nay có mức thu nhập bình quân mỗi tháng đạt từ 5 đến 7 triệu đồng.
Tỷ lệ lao động đi xuất khẩu nước ngoài ngày càng tăng chứng tỏ uy tín và chất lượng của nguồn lao động trên địa bàn tỉnh được nâng lên. Anh Nguyễn Thế Dực ở thôn Bản Kè B, xã Lăng Can (Lâm Bình), lao động làm việc tại thị trường Nhật Bản cho biết, khi anh trúng tuyển các đơn hàng xuất khẩu lao động và đi làm việc ở nước ngoài anh đều nỗ lực hết mình. Khi sinh sống làm việc ở nước ngoài phải hòa nhập, chấp hành tốt những quy định ở địa phương, nơi làm việc; cùng với đó giữ tác phong làm việc chuyên nghiệp để nâng cao hình ảnh đẹp, uy tín người lao động Việt Nam nói chung. Có như thế những lao động sang sau sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Triển khai đồng bộ các giải pháp tạo việc làm
Với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan. Sau nửa nhiệm kỳ, tổng số lao động được giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh là 66.618 lao động, đạt 66,6% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Trong đó, năm 2016 tạo việc làm cho 21.863 lao động, năm 2017 là 22.360 lao động, ước thực hiện năm 2018 giải quyết việc làm cho 22.395 lao động. Tỷ lệ qua đào tạo từ 45,8% năm 2015 tăng lên 51,3% năm 2017, dự kiến năm 2018 sẽ đạt 54,0%. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm từ 2,9% năm 2016 xuống còn 2,7%...
Để giúp người lao động có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lao động việc làm. Xã Bình Nhân (Chiêm Hóa) đã phối hợp với các đơn vị chức năng, doanh nghiệp tổ chức các hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm trên địa bàn làm thay đổi tư tưởng sợ đi lao động xa hay ngại đi học nghề. Nhờ đó, nhiều người dân trong độ tuổi lao động được tư vấn, giới thiệu tìm việc làm phù hợp hoặc lựa chọn đi học nghề để nâng cao tay nghề. Tính từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm xã giải quyết việc làm mới cho hơn 100 lao động, thu nhập bình quân của người lao động được tuyển dụng đi làm việc đạt trên 7 triệu đồng/người/tháng.
Đào tạo nghề sửa chữa ô tô tại trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang. |
Ông Hà Vĩnh Phượng ở thôn Đồng Nự có 3 người con đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản cho biết, nhờ các con có việc làm ổn định mỗi tháng gửi về cho gia đình hơn 30 triệu đồng. Từ đó, ông có vốn đầu tư phát triển sản xuất, sửa chữa nhà ở nâng cao chất lượng cuộc sống. Nếu các con ông không mạnh dạn ly hương mà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng thì không thể thoát nghèo, làm giàu được.
Bên cạnh đó, các địa phương đã tạo điều kiện, khuyến khích người dân phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế, từng bước cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Đồng chí Ma Công Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Bình An (Lâm Bình) cho biết, từ đầu năm đến nay, xã có trên 200 lao động được giải quyết việc làm, đạt hơn 150% kế hoạch năm. Qua tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm nhận thức của người dân đã thực sự thay đổi so với trước kia. Nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế, đem lại thu nhập ổn định. Trong đó, có nhiều mô hình tế đã góp phần tạo việc làm cho người lao động tại địa phương. Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, phấn đấu từ nay đến hết năm 2020 có trên 300 lao động trên địa bàn được giải quyết việc làm mới, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu nghị quyết
Tuy nhiên, công tác giải quyết việc làm còn tồn tại những hạn chế nhất định, đó là: Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo vẫn còn cao, một số lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa phù hợp thực tiễn, lao động có tay nghề còn hạn chế, xuất khẩu lao động còn đạt thấp, lao động đi xuất khẩu chui vẫn còn nhiều…
Quyết tâm đạt mục tiêu Nghị quyết đã đề ra về lao động việc làm, toàn tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đồng chí Lê Văn Háu, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong thời gian tới ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường phối hợp với các huyện, thành phố triển khai Chương trình lao động, việc làm và dạy nghề giai đoạn 2016 - 2020 gắn với việc xây dựng kế hoạch sử dụng, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương; chú trọng đến việc chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng chuyển từ nông, lâm nghiệp sang các ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại và dịch vụ. Đồng thời, từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; quan tâm đến công tác tạo việc làm mới ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thường xuyên tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá nhu cầu về giáo dục nghề nghiệp, việc làm của người lao động và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn để kết nối tư vấn phù hợp giúp người lao động sớm có việc làm phù hợp, ổn định…
Với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ được triển khai, toàn tỉnh đang phấn đấu hoàn thành sớm mục tiêu giải quyết việc làm cho trên 100.000 lao động theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra. Từ đó, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm, nâng cao thu nhập và thúc đẩy kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.