Hệ thống hạ tầng đô thị dần đồng bộ, hiện đại
Nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố phấn đấu xây dựng và phát triển thành phố trở thành đô thị loại II vào năm 2020. Đảng bộ, chính quyền thành phố đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt tập trung vào công tác quy hoạch và quản lý, xây dựng văn minh đô thị. Trong đó, UBND thành phố đã thực hiện giải phóng mặt bằng 58 công trình để triển khai đầu tư xây dựng các công trình theo kế hoạch; rà soát quy hoạch treo trình UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch nhằm phục vụ cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tăng cường công tác quản lý đô thị; huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước, xử lý nước thải.
Hạ tầng thành phố Tuyên Quang được quy hoạch đồng bộ, từng bước đáp ứng tiêu chí đô thị loại II. |
Sau 2 năm rưỡi triển khai thực hiện, nhiều công trình trọng điểm của tỉnh trên địa bàn thành phố được khởi công xây dựng như: Cầu Tình Húc và tuyến đường dọc 2 bên bờ sông Lô đấu nối với các tuyến Quốc lộ 37, 2C, đường Hồ Chí Minh liên kết với đường cao tốc nối thành phố với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Thành phố đã trình UBND tỉnh phê duyệt phương án điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính và không gian thành phố theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư: Lý Thái Tổ, An Phú, Minh Thanh, Thịnh Hưng, Tân Phát; đầu tư xây dựng các công trình đường Tân Trào, đường Minh Thanh, các dự án chương trình đô thị miền núi phía Bắc; cải tạo nâng cấp đường Lê Duẩn, đường Trung tâm Sát hạch lái xe đi Viên Châu; đẩy nhanh tiến độ thi công công trình đường Trung tâm Hành chính thành phố, trụ sở UBND xã Lưỡng Vượng, nhà làm việc Trung tâm Hành chính công; rà soát, điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000 đối với các phường và xã An Tường, 1/500 đối với các xã.
Thành phố cơ bản hoàn thành công tác lập lại trật tự đô thị tại các tuyến đường, phố trọng điểm như: Đường Bình Thuận, Nguyễn Trãi, xung quanh chợ Tam Cờ, phường Tân Quang; đường 17/8, đường Phan Thiết, phường Phan Thiết; bàn giao 5 tuyến đường Quang Trung, Nguyễn Trãi, Bình Thuận, Chiến thắng Sông Lô, Lê Đại Hành cho UBND các phường Tân Quang, Hưng Thành, An Tường quản lý. Công tác quản lý đô thị ngày càng đi vào nền nếp. Tỷ lệ dân số nội thành được sử dụng nước sạch đạt 99,2%, dân số nông thôn được dùng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 89,7%.
Cùng với đó, HĐND thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các nghị quyết về hỗ trợ làm cống, rãnh thoát nước ở khu dân cư; hỗ trợ làm nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố, giai đoạn 2016-2020; hỗ trợ xây dựng đường bê tông ngõ thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn thành phố. Qua đó, không chỉ từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở thôn, xóm, khu dân cư, tạo một diện mạo mới về hạ tầng giao thông tại địa phương, mà còn góp phần trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hướng đô thị văn minh.
Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La ở TP Tuyên Quang được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. |
Ông Bùi Thắng Việt, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố 15, phường Nông Tiến phấn khởi: Được hỗ trợ từ Nghị quyết 01 của HĐND thành phố, cùng với sự đồng thuận của 34 hộ dân nằm dọc tuyến đường của tổ 14,15 trong việc tình nguyện hiến 1.735 m2 đất, hơn 200 hộ dân của tổ dân cư 14, 15 giờ đã được đi trên con đường bê tông rộng 7,5 m, dài 780 m. Tuyến đường được đưa vào sử dụng không chỉ giúp cho việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là việc buôn bán hoa đào của người dân thuận tiện mà còn khiến cho bộ mặt của nơi đây tươi mới, sạch đẹp hơn.
Du lịch thành trung tâm ngành dịch vụ
Đi đôi với việc thu hút đầu tư, phát triển mạnh công nghiệp, thành phố tập trung vào một số ngành có tiềm năng, lợi thế như: Chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may xuất khẩu...; nâng cao hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, thành phố đã phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành các kế hoạch, chương trình hành động về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; chỉ đạo UBND thành phố xây dựng kế hoạch tái tạo bản đồ du lịch thành phố Tuyên Quang, xây dựng tua, tuyến du lịch thành phố; khai thác có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ phát triển du lịch, nhất là ở các khu vực trung tâm và các khu đô thị mới; tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế, tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn như: Trung tâm thương mại, Siêu thị Vincom Shophouse (Tập đoàn Vingroup), khách sạn Mường Thanh (Tập đoàn Mường Thanh), khách sạn Royal Palace. Hiện thành phố có 50 nhà hàng, 84 khách sạn, nhà nghỉ đảm bảo phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách.
Với điểm nhấn là du lịch tâm linh, hệ thống các điểm di tích, đền thờ, miếu mạo trải dài ở nhiều xã, phường, thành phố đã quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo, mở rộng khuôn viên của hàng loạt hệ thống các đền, chùa như: Đền Hạ, Đền mẫu Ỷ La, Đền Cấm, chùa An Vinh, chùa Hang, Đình Xã Tắc...; tạo điều kiện để thu hút đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái tại các điểm quy hoạch soi Tình Húc ở phường Hưng Thành; phối hợp để chủ đầu tư xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Chính pháp Tuyên Quang tại khu vực núi Dùm - Cổng Trời ở xã Tràng Đà, phường Nông Tiến. Đến đầu năm 2018, thành phố đã hình thành được 3 tua du lịch (Tua du lịch văn hóa tâm linh, tua du lịch Đêm hội Thành Tuyên, tua liên kết giữa thành phố và các huyện trong tỉnh và 2 tuyến du lịch (Tuyến du lịch đường sông và tuyến du lịch đường bộ).
Một góc phường Tân Quang (TP Tuyên Quang). |
Việc đổi mới, nâng cao chất lượng của các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống như: Lễ hội Thành Tuyên, Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La được thành phố tập trung quan tâm. Thành phố gắn hoạt động của Lễ hội Thành Tuyên vào các chương trình, sự kiện văn hóa lớn của tỉnh, khu vực, quốc gia như: “Liên hoan nghệ thuật hát Then - Đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ V; chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc”, Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất.
Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cũng được chú trọng. Năm 2017, thành phố đã tổ chức cuộc thi sáng tác “Sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch”, nhằm lựa chọn những hình ảnh đặc trưng nhất, những món quà lưu niệm phù hợp nhất để quảng bá du lịch của thành phố. Cùng với đó, thành phố rà soát các sản phẩm truyền thống, đặc trưng riêng của thành phố để khôi phục, tạo dựng và phát triển như: Ẩm thực, hàng thủ công, mỹ nghệ...; trưng bày, giới thiệu ẩm thực, sản phẩm du lịch tại các lễ hội, hội chợ thương mại tại tỉnh. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ dân xây dựng các mô hình homestay giá rẻ phục vụ du khách trong các dịp lễ hội, tạo thêm điều kiện việc làm, thu nhập cho người dân.
Song song với đó, công tác quản lý du lịch được tăng cường; đội ngũ công chức, người làm công tác du lịch thường xuyên được cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực. Qua đó, từng bước xây dựng hình ảnh của thành phố thân thiện, an toàn, mến khách, xây dựng thương hiệu du lịch, giới thiệu, quảng bá với du khách trong và ngoài nước sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của tỉnh. Nếu như năm 2016, lượng khách du lịch đến thành phố là hơn 394.000 lượt khách, doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch đạt 376,5 tỷ đồng. Đến 6 tháng đầu năm 2018, lượng khách du lịch đến thành phố là 349.900 lượt khách, doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch ước 228,9 tỷ đồng.
Hạ tầng đô thị hiện đại, đồng bộ, du lịch được quan tâm và đầu tư phát triển chính là nền tảng quan trọng để thành phố Tuyên Quang tiếp tục hoàn thành các tiêu chí, mục tiêu còn lại từ nay đến năm 2020.